Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU LỢI DỤNG DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


          Trong Xã hội Việt Nam, có những vấn đề những tưởng đã trở thành quy luật, cứ đến những ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng, như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc; các thời điểm diễn ra các kỳ họp của Trung ương, của Quốc hội…, các thế lực thù địch, những kẻ tự xưng là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam” hoặc là “người yêu nước”, lại đưa lên các trang mạng, blog... những nội dung mang quan điểm sai trái, độc hại.
          Thủ đoạn chủ yếu của chúng thường là dựa vào vài ba vụ việc, sự kiện cụ thể nào đó để xuyên tạc, bóp méo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, kích động người dân bất mãn với chế độ xã hội.
          Thời gian gần đây, khi chúng ta đã và đang triển khai nhiều hoạt động đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của đại hội Đảng bộ quân đội vào cuộc sống, nhất là trước thềm diễn ra Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII... thì các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách để tung tin xuyên tạc, bịa đặt các quan điểm đường lối chủ trương, chính sách của Đảng,pháp luật của Nhà nước. Ví như: những luận điệu xuyên tạc, bóp méo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” trên các mạng xã hội trong và ngoài nước thời gian qua đều nhằm hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động tâm trạng bất mãn của người dân trước thực trạng xã hội còn có những vấn đề chưa được giải quyết, hòng chuyển hóa xã hội ta sang một hình thức “dân chủ, nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng”.
          Chúng ta thấy rằng, Đại hội Đảng lần thứ XII đã xem cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” là một trong những vấn đề quan trọng nhất, cấp bách nhất được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quan tâm. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng. Đại hội Đảng lần thứ XII cho rằng “Bốn nguy cơ” mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) nêu lên, trong đó có tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” vẫn tồn tại, có mặt còn diễn biến phức tạp hơn trước với tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Đại hội XII chỉ ra rằng tham nhũng, lãng phí với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, “không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong dư luận, mà còn đe dọa sự tồn vong của chế độ”.
          Thời gian qua, các cơ quan công quyền của ta đã tiến hành kiểm tra, thanh tra nhiều lĩnh vực, những dự án có dấu hiệu mờ ám, vi phạm pháp luật, xem xét những cán bộ có dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm Điều lệ và các quy định của Đảng. Đặc biệt đưa ra xét xử một số vụ án lớn về kinh tế được dư luận hoan nghênh:
          Tại TP Hồ Chí Minh (ngày 19-7-2016), Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam do Phạm Công Danh chủ mưu. Ngày 9-9-2016, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Công Danh chịu mức án 30 năm tù, thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng của vụ án để bảo đảm khắc phục hậu quả, trong đó Nhà nước có thể truy thu hàng nghìn tỷ đồng.
            Liên quan đến vụ án xảy ra tại Vinalines, ngày 7/5/2014, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên các bị cáo liên quan trong vụ án phải bồi thường toàn bộ số tiền gây thiệt là hơn 366 tỷ đồng.Trong đó, Dương Chí Dũng bị tử hình và buộc phải bồi thường 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục thi hành án dân sự Hà Nội cho biết ngoài số tiền gia đình ông Dương Chí Dũng đã nộp, Cục Thi hành án thành phố đã xử lý xong toàn bộ số tài sản mà bản án đã kê biên. Kết quả xác minh cho thấy, ngoài tài sản đã được các cơ quan tố tụng kê biên và bản án đã tuyên, Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác. Hiện tại, còn khoản tiền trên 88 tỷ đồng ông Dũng chưa có khả năng thi hành.
          Về việc thực hiện công tác quản lý cán bộ, đảng viên, theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao, như vụ kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho thấy cuộc đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống gắn liền với “lợi ích nhóm” nhằm làm trong sạch Đảng đã được khởi động một cách quyết đoán. Trong đó, lần đầu tiên có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư.
          Hay mới đây, dư luận xã hội đang rất nóng lòng tìm hiểu con đường quan lộ thần tốc và khối tài sản khủng của bà Trần Vũ Quỳnh Anh…Chỉ với tấm bằng  Cao đẳng Công nghệ thông tin ở Nghệ An năm 2008 - 2010, Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tin học (hệ tại chức) Trường Đại học Vinh, đầu năm 2011, Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Trung tâm kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng Thanh Hóa (không qua thi tuyển). Năm 2012, Quỳnh Anh được điều về Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Sở này. Từ tháng 10/2013 - 4/2014, bà nghỉ sinh con đầu lòng nhưng đến tháng 4/2015 đã được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, và chỉ 6 tháng sau (tháng 10/2015), được bổ nhiệm làm Trưởng phòng…Không những vậy, với thu nhập hàng năm khoảng 60 triệu đồng nhưng bà Trần Vũ Quỳnh Anh được cho là có khối tài sản “khủng” lên tới hàng chục tỉ đồng: Từng sở hữu một căn biệt thự lớn 3 mặt tiền tại khu đô thị bắc đại lộ Lê Lợi (khu đô thị Bình Minh), phường Đông Hương, Thanh Hóa (hiện căn biệt thự này đã được bà Anh chuyển nhượng cho mẹ ruột) và một chiếc xe Cadillac Escalade trị giá nhiều tỉ đồng. Hiện chiếc xe này cũng đã được sang tên cho một người khác…
          Không phủ nhận rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... hiện nay đang diễn ra rất quyết liệt, khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã hình thành từ lâu. Chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” đương nhiên là phải nhìn lại quá trình; phải xem xét những vụ việc diễn ra trong thời gian trước; phải kiểm tra, đưa ra ánh sáng, xem xét từ sự kiện, vụ việc… có dấu hiệu vi phạm các quy định hành chính, pháp lý đến chuyển sang các cơ quan tư pháp, xem xét về mặt hình sự… là điều tất nhiên.
          Sự suy thoái về đạo đức, lối sống có nguồn gốc sâu xa, diễn ra từ nhiều nhiệm kỳ trước. Lẽ tất nhiên sự suy thoái về đạo đức, lối sống trước hết thuộc trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, sự suy thoái còn liên quan đến môi trường kinh tế thị trường, đến thể chế một Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền... Vấn đề kiểm soát quyền lực như đồng chí Tổng Bí thư đã nói, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cơ chế kiểm soát quyền lực không chỉ tùy thuộc vào quyết định của Đảng mà còn tùy thuộc vào thể chế của Nhà nước, của Quốc hội, của Chính phủ. Đây là một nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành một cách thận trọng, bài bản... Với sự quyết tâm của Đảng, sự đồng tình của nhân dân, chúng ta có quyền tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm”... do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Chúng ta không cho phép bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào được xuyên tạc về những kết quả đã đạt được bằng quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh này./.
                                                                                                                                                                                                                                                            Quốc Việt

                                                                                                                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét