Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC VIỆT NAM KHÔNG THỂ BỊ LỢI DỤNG

          Nói tới yêu nước thì có lẽ dân tộc nào cũng có, song có thể khẳng định rằng: Yêu nước là giá trị chủ đạo trong hệ thống các giá trị của dân tộc Việt Nam. Đến nay, đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về yêu nước, về chủ nghĩa yêu nước. Tuy vậy, trên bình diện quốc tế thì ý thức dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chính là giá trị cơ bản của tất cả các dân tộc trên thế giới. Thực tế đã minh chứng rằng, không có nhà nghiên cứu nào dám đưa ra nhận xét về dân tộc này có ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước cao hơn dân tộc khác. Bởi lẽ, sự so sánh đó là điều khó có thể thực hiện được. Tuy vậy, chúng ta có thể thấy rằng, những nội dung và sắc thái biểu hiện cụ thể của yêu nước, của chủ nghĩa yêu nước và điều kiện hình thành giá trị yêu nước, chủ nghĩa yêu nước của các dân tộc là khác nhau. Chính sự khác nhau đó đã tạo nên cái “riêng” yêu nước của từng dân tộc, để phân biệt rõ hơn dân tộc này với dân tộc khác trên thế giới. Lẽ dĩ nhiên mỗi dân tộc trên thế giới lại có những điều kiện khác nhau trong tiến trình ra đời, tồn tại và phát triển của mình. Song yêu nước với dân tộc Việt Nam không đơn thuần chỉ dừng lại ở góc độ tình cảm, thái độ với đất nước mình.
Trong tiến trình phát triển của mình, chủ nghĩa yêu nước là dòng chảy chủ lưu, là mạch nguồn dung dưỡng và kết nối các giá trị tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo, riêng có của người Việt. Trong tiến trình ấy, ở bất cứ đâu, khi nào nhân dân ta luôn có lòng yêu nước nồng nàn. Điều ấy đã được thể hiện qua biết bao cuộc kháng chiến chống quân xâm lược để bảo vệ bờ cõi đất nước của cha ông. Biết bao nhiêu người con của dân tộc đã anh dũng hi sinh để đổi lấy hoà bình cho ngày hôm nay, để nụ cười của các em thơ được rạng rỡ trên khuôn mặt và để chúng ta được tận hưởng những niềm vui của cuộc sống, và làm những điều mình thích.
Ngay từ khi còn bé, chúng ta đã được cô giáo dạy cho bài học đầu đời về lòng yêu nước, về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sự hiếu thuận với cha mẹ và lòng kính yêu với Bác Hồ vĩ đại. Tuy vậy, chúng ta cần có một cái nhìn thật chính xác về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Và những kẻ lợi dụng và kêu gọi yêu nước theo kiểu đi ngược lại lợi ích dân tộc có phải là phát huy chủ nghĩa yêu nước như chúng rêu rao?
- Thứ nhất, đối với người dân Việt Nam, yêu nước trở thành chủ nghĩa yêu nước, có nghĩa rằng, yêu nước không dừng ở tình cảm, thái độ mà bằng cả lý trí. Điều này được GS. TS Nguyễn Hùng Hậu khẳng định: “chủ nghĩa yêu nước là lấy cái đạo lý (đạo nghĩa) yêu nước làm chính, cốt yếu, nó thể hiện ở tinh thần và hành động sẵn sàng hy sinh, xả thân vì nước, vì dân tộc, giống nòi, để bảo vệ đất nước”[1].
- Thứ hai, chúng ta có được cuộc sống no đủ, hạnh phúc ngày hôm nay nhờ vào sự đánh đổi sinh mạng của biết bao thế hệ cha ông đi trước. Do đó, yêu nước chính là chúng ta biết trân trọng cuộc sống của mình ngày hôm nay để cố gắng học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với công ơn dạy dỗ của cha mẹ và kì vọng của xã hội vào một thế hệ tương lai có đủ phẩm chất.
- Thứ ba, chủ nghĩa yêu nước có nghĩa là chúng ta biết yêu thương những người xung quanh và mở rộng trái tim mình, có nghĩa rằng mỗi một người dân luôn biết gắn kết lợi ích cá nhân với lợi ích Tổ quốc. Rằng một chiếc bánh, chiếc áo cũ chia sẻ với những người thiếu thốn, hay chỉ đơn giản là một cái nhìn cảm thông với những cô lao công, những người nông dân chân nấm tay bùn cũng sẽ khiến cho cuộc sống trở nên ý nghĩa và tươi đẹp biết bao. Yêu nước, thực hành chủ nghĩa yêu nước đôi khi đơn giản là như thế thôi.
- Thứ tư, yêu nước – đó là khi chúng ta biết cố gắng, ra sức học tập trở thành những người kỹ sư, bác sĩ đi xây những công trình cho đất nước, chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân khốn khó. Yêu nước không hẳn là xông pha trận mạc giết địch, đấy chỉ là trong thời chiến, còn trong thời bình thì lòng yêu nước lại thể hiện ở những khía cạnh khác.
- Thứ năm, yêu nước đó còn thể hiện ở ý thức của bản thân chấp hành nghiêm pháp luật của nhà nước, đấu tranh, phản bác lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Trên tinh thần hiểu đúng về yêu nước và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam như trên, chúng ta nên có thái độ và trách nhiệm với những kẻ lợi dụng vào yêu nước, chủ nghĩa yêu nước để ngấm ngầm phá hoại sự phát triển của đất nước. Bởi lẽ, hiện nay xuất hiện không ít những đối tượng vì nhận thức kém hoặc bị chi phối, kích động của các thế lực thù địch mà thường xuyên có những hoạt động trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, thậm chí họ còn tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người, biểu tình trái pháp luật gây mất an ninh trật tự... Thiết nghĩ, đó có phải là cách thể hiện lòng yêu nước và đúng với đạo lý của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, hay đó chỉ đơn giản là cách để đánh bóng tên tuổi, chạy theo những lợi ích cá nhân thấp hèn mà đánh mất đi chính nguồn cội của mình?
Những kẻ như Phương Uyên, Xuân Diện, Trương Duy Nhất... và những hành động tưởng chừng như là “yêu nước” của họ được phát tán, tuyên truyền trên các mạng xã hội hoàn toàn đi ngược lại giá trị cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Những hành động đáng nực cười của họ sẽ chẳng thuyết phục được ai và đang bị cả xã hội lên án. Không chỉ vậy, những việc làm của họ gây những tác động xấu đến quần chúng nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Nếu tiếp tục sa đà mù quáng vào cách họ làm, đương nhiên họ sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng và bị cả chính tòa án lương tâm lên án.
Vẫn biết rằng còn nhiều quan điểm về chủ nghĩa yêu nước cũng như lòng yêu nước, và mỗi người có một cái nhìn khác nhau. Nhưng chắc chắn rằng, khi chúng ta sống có mục đích, lý tưởng nghĩa là sống vui, sống khoẻ, sống có ích – đó chính là cách dễ dàng nhất để thể hiện lòng yêu nước cũng như phát huy chủ nghĩa yêu nước. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi công dân, nhất là thế hệ trẻ trong phát huy chủ nghĩa yêu nước có ý nghĩa quan trọng vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
 Hoài Nam




[1] GS. TS Nguyễn Hùng Hậu: Suy ngẫm về triết Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2015, tr.43

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét