Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

SỰ THẬT VỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM


Đã trở thành quy luật, hằng năm cứ đến dịp tháng 3, tháng 9, một số quốc gia lại tự cho mình cái quyền đưa ra cái gọi là báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới. Năm nay, vào cuối tháng 4, “Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới năm 2020” của Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (USCIRF) tiếp tục có những nhận xét hoàn toàn không chính xác về tình hình tôn giáo của một số nước, trong đó có VN.
Tony Perkins, Chủ tịch USCIRF, trong buổi họp báo trực tuyến cuối tháng 4 vừa qua, đã phát biểu bóp méo sự việc, cho rằng: “tình hình ở VN còn rất thảm khốc”, “Vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo ở VN vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng; chính phủ VN tiếp tục đàn áp mọi tôn giáo,…”.
Cho đến nay, vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đang là một trong những mũi nhọn tấn công chống phá VN của các thế lực thù địch. Bởi đây là lĩnh vực “nhạy cảm” nên việc lợi dụng tô vẽ một bức tranh VN ảm đạm để nhằm tác động, chuyển hóa, xóa bỏ chế độ dân chủ XHCN ở Việt Nam là việc các tổ chức như USCIRF vẫn đang tiến hành.
Âm mưu ngắn hạn cũng như lâu dài của họ rất rõ ràng, lợi dụng những sơ hở trong các hoạt động tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc Đảng, Nhà nước VN vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, đàn áp tôn giáo, hòng tạo phản ứng tiêu cực trong một bộ phận chức sắc và tín đồ tôn giáo. Theo đó, các tổ chức không thiện chí, các phương tiện thông tin của một số quốc gia thù địch với VN và các báo, đài tiếng Việt chống cộng ở hải ngoại được dịp phụ họa, “tát nước theo mưa” tuyên truyền rùm beng cho cái gọi là “vi phạm các quyền con người”, “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới”...
Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động với bản chất xuyên tạc với thái độ áp đặt, chủ quan, luôn soi chiếu “tiêu chuẩn kép” về “dân chủ, nhân quyền”, tự do tôn giáo; dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo sự thật một cách thô thiển bất chấp thực tế về những thành tựu to lớn của VN trong lĩnh vực tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Mục đích của họ là tạo sự hoài nghi về đường hướng lãnh đạo của ĐCS, các chính sách, pháp luật của Nhà nước VN có liên quan đến tôn giáo và hoạt động tự do tôn giáo. Đồng thời, họ dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc sai sự thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở VN lôi kéo các chức sắc cực đoan và số tín đồ cuồng tín phản ứng tiêu cực tìm để cách tạo dựng các vụ việc phức tạp mang màu sắc của tôn giáo hòng phá hoại an ninh chính trị, trật tự xã hội và mục đích cao nhất là dùng sức mạnh của tôn giáo để lật đổ chế độ XHCN ở nước VN, tiến tới đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCSVN.
Quy định tại Hiến pháp 2013 của VN: Nước CHXHCN VN tôn trọng Hiến chương LHQ và các điều ước quốc tế mà VN là thành viên. VN là một trong những nước sớm phê chuẩn Công ước quốc tế về nhân quyền. Và sự ra đời của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2017 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác của Quốc hội, của Nhà nước VN đã quán triệt và thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước VN trong giai đoạn hiện nay.
Các quy định pháp lý đó không những phù hợp với tinh thần và nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Công ước quốc tế, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc VNXHCN.
Là một quốc gia đa tôn giáo, nhưng cộng đồng các tôn giáo đang hoạt động ở VN luôn gắn bó đồng hành với dân tộc; đồng thời, là nhân tố xã hội và văn hoá tích cực góp phần làm cho nền văn hoá VN phong phú, đa dạng và đặc sắc. VN còn là một đất nước rất ôn hoà trong quan hệ giữa các tôn giáo, có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Việc chung sống hoà bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội VN đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở VN: thuần tuý nhưng phong phú, đan xen nhưng không mâu thuẫn.
Không giống như những phát biểu của Chủ tịch USCIRF Tony Perkins, Đảng và Nhà nước VN luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết lương - giáo và giữa các tôn giáo; khắc phục thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc.
Những điều này được thể hiện rõ nét trong thực tế đời sống của các tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 29 ngàn cơ sở thờ tự, hơn 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và nhân dân. Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019), v.v.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét