Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

LỢI DỤNG VỤ ÁN HỒ DUY HẢI ĐỂ XUYÊN TẠC


Vụ án Hồ Duy Hải diễn ra cách đây 12 năm và kéo dài đến nay, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận trong và ngoài nước. Để xem xét toàn diện bản chất vụ án và quá trình tố tụng, từ ngày 6-8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc vụ án, bản chất của nền tư pháp XHCN, diễn biến tình hình theo chiều hướng “chính trị hóa” vụ án này.
Tung hỏa mù, suy diễn một chiều
Cụ thể, ngày 8/5/2020, Đài BBC đưa bài viết của đối tượng Nguyễn Văn Đài (đối tượng cầm đầu của tổ chức “Hội anh em dân chủ” vốn đã 2 lần bị kết án tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước” và bị trục xuất sang Đức). Nội dung phát biểu xuyên tạc về vụ án Hồ Duy Hải và cho rằng “Tòa Việt Nam chỉ có tam quyền phân lập mới hết được án oan sai. Với chế độ Cộng sản, họ chỉ coi luật sư là vật trang trí cho đủ phiên tòa, để họ tránh sự chỉ trích từ quốc tế, cũng như từ người dân, vai trò của luật sư ít quan trọng... Sau khi xem hồ sơ, cùng với tất cả chứng cứ mà các luật sư của Hồ Duy Hải đã biện luận trước tòa trước đây, tôi cho rằng đây là một vụ án oan sai”.
Không thể phủ nhận tính chất đặc biệt nghiêm trọng và mức độ phức tạp của vụ án, trong đó có sai sót của cơ quan tố tụng địa phương đã được chỉ ra trong kháng nghị và tại phiên tòa. Tuy nhiên, lợi dụng vào diễn biến xét xử giám đốc thẩm vụ án, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, mạng Internet, các trang phản động hải ngoại và mạng xã hội lợi dụng để tung các bài viết, phân tích theo hướng suy diễn, xuyên tạc. Từ đó miệt thị chế độ, nền tư pháp, cơ quan tố tụng; khoét sâu nỗi đau gia đình bị can, quy kết, suy diễn, chính trị hóa vụ án; kích động, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhân dân.
Và luận điệu đòi “tam quyền phân lập”
“Tam quyền phân lập” từ lý thuyết đến thực tiễn mô hình, thể chế nhà nước được hình thành, phát triển trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế. Mô hình tổ chức nhà nước của Mỹ là một điển hình của thể chế “tam quyền phân lập”, được coi là văn minh, dân chủ tư sản. Tuy nhiên, liệu “tam quyền phân lập” có hết được án oan sai không? Câu trả lời không. Hãng thông tấn Reuters dẫn công bố báo cáo của Tổ chức theo dõi có tên National Registry of Exonerations cho biết, kỷ lục năm 2015 ở Mỹ có 149 trường hợp được công bố giải oan, với những người được hủy án đã ở tù trung bình khoảng 14 năm.
Như vậy, án oan sai là vấn đề không chỉ của nền tư pháp bất kỳ nước nào, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, thể chế quyền lực nhà nước, trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có năng lực, ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động tố tụng của mỗi vụ án cụ thể. Thể chế “tam quyền phân lập” không thể là phương thức và giải pháp duy nhất, phù hợp để giải quyết vấn đề án oan sai hiệu quả.
Đối với Việt Nam, Cương lĩnh của Đảng xác định: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta, việc để xảy ra một số vụ án oan, sai đã được cơ quan tiến hành tố tụng chỉ ra và các trường hợp đó được đền bù oan, sai theo Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn trong vụ án Hồ Duy Hải, phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chỉ rõ những sai sót chuyên môn của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, nhưng sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó, không thể suy diễn, thổi phồng vụ án rồi đưa ra yêu cầu “tam quyền phân lập” để chống oan, sai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét