Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

“CHÂN THÀNH” VÀ “THỰC DỤNG”



Ngày nay, cùng với sự phát triển xã hội là sự tiến bộ về mọi mặt trong đó có nền giáo dục. Đi cùng với đó là sự hình thành về lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay, khi mà trào lưu học tập theo các nước phát triển Châu Âu được thịnh hành thì đi kèm với đó là sự hình thành tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, cái tôi được đẩy lên cao và họ bắt đầu có lối sống “thực dụng” hơn. Bài viết này tôi sẽ chỉ đi sâu và nhấn mạnh vào mặt trái của sự tác động trong nền giáo dục phương tây theo lối suy nghĩ của chủ nghĩa tư bản (CNTB) tới nhận thức và hành động của giới trẻ hiện nay đang diễn ra như thế nào.
Nếu được hỏi về mối quan hệ giữa con người và con người được ràng buộc bởi điều gì thì đa phần giới trẻ được giáo dục theo lối suy nghĩ thực dụng sẽ cho rằng: Tiền chính là lý do duy nhất để họ phải gặp gỡ, trao đổi với nhau. Nói cách khác người này chỉ phải xây dựng một mối quan hệ với người kia khi biết rằng mối quan hệ đó cho họ giá trị lợi ích kinh tế. Đến khi hết giá trị lợi dụng thì mối quan hệ đó cũng tự khắc chấm dứt. Bởi vì sao? bởi họ được giáo dục ngay từ nhỏ về nhân quyền về sự tự chủ trong mọi hành động và suy nghĩ mà không ai có thể can thiệp, thậm chí cha mẹ giáo dục bằng cách đánh con bị coi là vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền. Và vì cái tôi quá lớn như vậy ngay từ nhỏ nên họ sẽ không phụ thuộc vào ai và không chịu sự tác động từ ai trong mọi vấn đề, bố mẹ chỉ có trách nhiệm duy nhất với con cái là phải có kinh tế để bao bọc con cho đến khi đủ tuổi trưởng thành và có quyền công dân thì sẽ tách khỏi cha mẹ.
Cổ nhân xưa có câu: “Thương cho roi cho vọt”, không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta có câu tục ngữ trên, bởi điều đó được đúc rút kinh nghiệm từ bao đời nay khi cha mẹ muốn giáo dục con cái, muốn định hướng tư tưởng cho con ngay từ khi bắt đầu có thể nhận thức và tiếp thu kiến thức bên ngoài xã hội. Tôi cũng không ủng hộ việc đánh con theo kiểu tàn bạo và ác độc của một số phụ huynh muốn áp đặt suy nghĩ cho con. Ý nghĩa câu tục ngữ trên muốn nói rằng muốn con nên người cần thiết phải có sự răn đe cứng rắn và nghiêm khắc. Việc thả trôi tư duy của trẻ rất nguy hiểm bởi làm như vậy chúng ta sẽ không kiểm soát được suy nghĩ và hành động của con mình. Đáng buồn là ngày nay nhận thức của một số bộ phận trong xã hội đã có sự thay đổi theo lối sống thực dụng hơn, mất dần đi những giá trị truyền thống, cốt lõi của dân tộc.
Trong thời gian gần đây trên mạng xã hội nổi lên một trào lưu đó là tìm hiểu về cuộc sống của “Hội những con nhà giàu” hay còn gọi theo tên tiếng Anh là: “Richkids”. Hội Richkids này thường xuyên cập nhật sự xa hoa, sành điệu của bản thân lên trang cá nhân và chia sẻ rộng rãi đối với cộng đồng và được giới trẻ rất ngưỡng mộ. Tất nhiên về cuộc sống riêng tư của họ, tôi không đưa ra bình xét nhưng hãy xem cách ứng xử của một trong số những Richkids đó với xã hội như trong Chiến dịch chống Covid-19 có những “cậu ấm”, “cô chiêu” được bao bọc trong nhung lụa quen rồi nên khi được đón về Việt Nam sống trong khu cách ly tập trung 14 ngày lại tự cho mình cái quyền được đòi hỏi phải phục vụ y như cuộc sống thường ngày, rồi những bậc cha mẹ đó thương con tới nỗi không những tiếp tế cao lương, mỹ vị cho con mà còn mang hẳn tủ lạnh vào khu cách ly cho quý tử của mình. Thậm chí có những việt kiều còn sẵn sàng buông lời thóa mạ, hạ nhục Tổ quốc ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay. Bởi vì họ nghĩ, họ là những người giàu có và đối với họ: “có tiền là có quyền”.
Xin thưa rằng ở đất nước Việt Nam có truyền thống giáo dục dạy con người: “Tiền không phải là tất cả”, có những thứ còn giá trị hơn đồng tiền đó là sự chân thành. Con người ràng buộc với nhau không phải chỉ có giá trị lợi ích kinh tế mà còn có trách nhiệm và nghĩa vụ. Cha mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc con cái và con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Ngoài ra còn có sự chân thành trong cách ứng xử giữa người với người, tiền không phải điều kiện tiên quyết trong việc duy trì một mối quan hệ nào đó. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế còn thiếu thốn những Đảng và Nhà nước ta vẫn sẵn sàng chuẩn bị những khu cách ly tập trung để đón các kiều bào đang bị mắc kẹt ở nước ngoài trở về nước tránh dịch bệnh và chữa trị tận tình.
Vậy thì xin đừng so sánh, đừng vội đánh giá nền giáo dục của Việt Nam kém cỏi so với các nước tiên tiến. Bởi nền giáo dục nào cũng có những yếu tố tiêu cực và tích cực nên khi áp dụng cần phải có sự chọn lọc kỹ càng, phù hợp. Xin đừng đánh mất giá trị nhân văn trong truyền thống giáo dục từ bao đời nay của cha ông đã đúc kết để lại bởi đó là tinh túy, là linh hồn của cả dân tộc. Hãy giữ gìn và phát huy những giá trị ấy!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét