Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với quân đội là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam


Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định từ rất sớm và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đó là sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ... bằng một cơ chế, phương thức chặt chẽ, phù hợp. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (năm 1930), Đảng chỉ rõ phải nhanh chóng "Tổ chức ra quân đội công nông". Trong Nghị quyết đội tự vệ (năm 1935), Đảng xác định: "Luôn luôn phải giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong tự vệ thường trực", "Các đội trưởng và đảng đại biểu phải hợp tác mà chỉ huy". Trong lãnh đạo xây dựng, phát triển lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Đảng xác định phải làm cho các đội du kích đi đúng "con đường chính trị" của Đảng... Đầu năm 1944, trước yêu cầu thành lập đội quân chủ lực quốc gia, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo". Thi hành đúng Chỉ thị của Bác Hồ, chi bộ Đảng của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, lãnh đạo đội thực hiện các nhiệm vụ một cách tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội ta có sự phát triển nhanh về lực lượng. Để giữ vững sự lãnh đạo, Đảng tiếp tục nghiên cứu xác lập, triển khai cơ chế lãnh đạo quân đội: Thành lập Trung ương Quân uỷ (tháng 01/1946); thành lập các cấp uỷ từ quân khu đến chi uỷ; đặt chế độ hai thủ trưởng (quân sự, chính trị) để chỉ huy đơn vị từ cấp khu đến trung đội; lập chế độ chính trị uỷ viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội (tháng 10/1948). Từ thực tiễn tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong kháng chiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) đã ban hành Nghị quyết 07 ngày 20/5/1952, về thực hiện chế độ tập thể Đảng uỷ lãnh đạo toàn diện, thủ trưởng quân sự, thủ trưởng chính trị phân công thực hiện theo chức trách, nhằm thực hiện sự lãnh đạo tập thể, thống nhất của Đảng về mọi mặt công tác.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cơ chế trên tiếp tục được thực hiện; nhờ đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội luôn được giữ vững, tăng cường và phát huy được sức mạnh chiến đấu "càng đánh, càng mạnh, càng thắng lợi". Các đơn vị trong toàn quân đều nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm, thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy được sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng phát huy cao độ trí tuệ, sự sáng tạo của thủ trưởng quân chính trong việc tổ chức thực hiện. Sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần quyết định vào thắng lợi của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đồng thời, trở thành truyền thống, kinh nghiệm quý báu của quân đội ta.

Từ năm 1975 đến nay, Đảng ta đã có ba lần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Từ 1975 - 1982, quân đội vẫn thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng như trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 15/12/1982, Bộ Chính trị (khoá V) ra Nghị quyết 07 "Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội". Sau hơn hai năm thực hiện cơ chế 07, Đảng đã sớm phát hiện thấy một số khiếm khuyết, vì thế, ngày 04/7/1985, Bộ Chính trị (khoá V) đã ra Nghị quyết 27 về việc "Tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng".

Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị quyết định khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội. Toàn quân có Đảng uỷ Quân sự Trung ương do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo. Cấp uỷ các cấp có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện các đơn vị thuộc quyền, theo phạm vi chức năng và nội dung quy định cho từng cấp. Gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 27 (1985 - 2005) đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trước yêu cầu giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, ngày 20/7/2005, Bộ Chính trị (khoá IX) ban hành Nghị quyết 51 về "Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam". Nghị quyết chỉ rõ: "Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng xây dựng quân đội, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống". Cơ chế lãnh đạo theo Nghị quyết 51 xác định rõ những nội dung cơ bản để định hướng, chỉ đạo, tổ chức hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, hoạt động của cán bộ chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị trong các đơn vị quân đội. Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI đã ban hành quy định về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định về tổ chức cơ quan chính trị trong quân đội. Các văn bản quan trọng của Đảng đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam mà thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Sự lãnh đạo đó được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở.

 Hệ thống tổ chức đảng trong quân đội gồm: Quân uỷ Trung ương và đảng uỷ quân sự các cấp. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, các đồng chí Uỷ viên do Bộ Chính trị chỉ định. Các cấp uỷ đảng từ cấp trực thuộc Quân uỷ Trung ương đến cấp cơ sở do đại hội đảng cùng cấp bầu. Quân uỷ Trung ương nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; kế hoạch phòng thủ đất nước; phương hướng và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cơ chế lãnh đạo của Đảng với quân đội. Quân uỷ Trung ương có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn các cấp uỷ trực thuộc Trung ương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về quân sự, quốc phòng; trực tiếp lãnh đạo xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh. Thông qua các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, Quân uỷ Trung ương bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Quân uỷ Trung ương thực hiện chế độ quyết định tập thể đối với vấn đề lớn như: chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các biện pháp xây dựng quân đội,... Quân uỷ Trung ương chỉ đạo Tổng cục chính trị và thông qua Tổng cục chính trị chỉ đạo các đảng bộ và hệ thống chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Như vậy, suốt 78 năm qua, nhờ không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ vững vai trò lãnh đạo đối với quân đội trong mọi tình huống, mọi giai đoạn lịch sử. Đó cũng là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. 70 năm qua, quân đội đã luôn xứng đáng là công cụ bạo lực cách mạng sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân; giữ vững bản chất giai cấp công nhân, là quân đội của dân, do dân, vì dân; viết nên truyền thống quyết chiến, quyết thắng với nhiều chiến công hiển hách, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng.

Trong điều kiện cách mạng mới, trước tình hình thế giới, khu vực và trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều diễn biến phức tạp, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kết quả nổi bật là: Đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược quân sự quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đánh giá, dự báo, xử lý đúng đắn các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước. Lãnh đạo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu được nâng lên. Quân đội luôn tích cực tham gia giúp dân xoá đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, thế trận lòng dân vững chắc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng. Công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội có chuyển biến quan trọng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Quân đội cũng luôn khẳng định là lực lượng tín nhiệm trong lòng nhân dân. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được giữ vững, toả sáng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét