Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

MỸ QUAN TÂM ĐẾN ĐIỆN BIÊN PHỦ KHÔNG KÉM GÌ PHÁP


Núp bóng Thực dân Pháp trong kế hoạch Navarre, Mỹ đã thể hiện vai trò cốt yếu của mình trong chiến tranh Đông Dương hòng đặt một chân tại vùng đất này. 
Ngày 13/7/1953, trong cuộc gặp ngoại trưởng Mỹ Dulles tại Oasinhtơn, Bidault, Bộ trưởng ngoại giao Pháp nói: "Chúng tôi không thể tiếp tục cuộc thập tự chinh một mình, tuy nhiên chúng tôi cũng không muốn ngừng lại bằng bất kể cách nào. Đặc biệt, không có điều đình trực tiếp với Hồ Chí Minh". Pháp đề nghị Mỹ viện trợ 650 triệu đô la cho niên khóa 1953, và được chấp nhận 385 triệu. Mỹ hứa năm 1954 sẽ tăng viện trợ cho Pháp tại Đông Dương lên gấp đôi. Mỹ cũng chuyển giao cho Pháp nhiều trang bị, vũ khí, trong đó có 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại. Với mọi cố gắng của Pháp và sự viện trợ hết mình của Mỹ, phương Tây đã ra sức tô vẽ cuộc "chiến tranh bẩn thỉu” tại Đông Dương thành cuộc "Thập tự chinh chống cộng".

Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ đôla, năm 1954 Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ đô la nữa. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân. Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Ngày 4/11/1953, đích thân Phó tổng thống Mỹ Nícxơn tới thăm mặt trận, Tư lệnh Bắc Bộ Cogny đã phải rải quân suốt đường số 1, từ thị xã Ninh Bình tới Ghềnh để bảo đảm an ninh. Và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời, là nước cờ cuối cùng, mang tính chất quyết định cho số phận của Đông Dương. Mỹ cũng khá hài lòng với những gì người Pháp thực hiện tại Điện Biên Phủ cho đến trước khi trận đánh diễn ra.

Điện Biên Phủ được xây dựng với quy mô khổng lồ, là pháo đài "chưa từng có ở Đông Dương", không chỉ có người Pháp, người Mỹ có mặt sớm nhất để kiểm tra tình hình thực tế. Vai trò của Mỹ trong trận chiến đấu tại Điện Biên Phủ là rất lớn, nếu không muốn nói người Pháp gần như phải trông chờ vào sự chi viện duy nhất này. Đáp lại Pháp, Mỹ cũng không tiếc tay để biến những dự định tại Điện Biên Phủ thành hiện thực, thậm chí cả những chiếc dù để thả hàng.
Đến tháng 4/1964, tập đoàn cứ điểm của Pháp lúc này đã ngày càng bị thu hẹp, Pháp lại khẩn thiết yêu cầu Mỹ giúp đỡ. Mỹ đã mạnh dạn đề xuất "tặng" bom nguyên tử để ném xuống thung lũng Mường Thanh, tuy nhiên Pháp không chấp nhận bởi lẽ điều đó đồng nghĩa với xóa sổ luôn cả số quân đồn trú của Pháp tại đây. Và chỉ không lâu sau đó, tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ thất thủ, Pháp và Mỹ bị giáng một đòn mạnh mẽ tại Đông Dương; trên bàn Hội nghị Giơnever, chúng đã bớt hung hăng hơn và phải chấp nhận một số điều kiện thỏa đáng đối với vấn đề Đông Dương.

Tuy nhiên, không can tâm dừng lại ở đó, Mỹ tiếp tục can thiệp vào Đông Dương và Pháp chuyển giao dần quyền lực ở Việt Nam cho Mỹ qua ngụy quyền Sài Gòn.
Đánh đuổi Thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam, tuy nhiên ta mới giải phóng được miền Bắc, chiến tranh giải phóng dân tộc tiếp tục được thực hiện tại miền Nam Việt Nam. Không lấy Pháp làm bài học, Mỹ chính thức chinh chiến hòng thôn tính nước ta trở thành thuộc địa của chúng, khiến nhân dân Việt Nam một lần nữa rơi vào cảnh lầm than cơ cực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết đồng lòng của quân dân, 21 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ ta đã "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét