Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỀ QUYỀN “TỰ DO BÁO CHÍ” Ở VIỆT NAM


Thời gian qua, trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chống phá  ta trên mặt trận tư tưởng. Trong đó, chúng lợi dụng chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” như là một “vũ khí”, “mục tiêu” để ra sức chống phá.
          Có thể nói, trải qua hơn 30 năm đổi mới, báo chí nước ta đã đi đầu trong việc định hướng tư tưởng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; là một trong những động lực trực tiếp tham gia và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ vai trò to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương đúng đắn, nhất quán để bảo đảm quyền tự do báo chí, bảo vệ những người làm báo và tạo cơ hội cho báo chí trong nước phát triển bền vững theo đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động.
          Theo nghĩa thông thường, tự do báo chí được hiểu là thoát ly mọi sự hạn chế, mọi sự cấm đoán đối với báo chí, là một phần quan trọng của quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, ở các thể chế xã hội khác nhau, trong các giai đoạn lịch sử khác nhau thì tự do báo chí cũng được giải thích, được quan niệm, được thể chế hóa, được bảo vệ và thực hiện theo các cách khác nhau. Mức độ tự do được quy định bởi lập trường xã hội, bởi mục tiêu mà con người đặt ra cho mình trong từng giai đoạn.
          Ở Việt Nam, “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” đã được quy định trong Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam (2013) và được cụ thể hóa trong nhiều luật, nghị định như: Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/07/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng… Các quy định trên được thực thi nghiêm túc, tạo không khí dân chủ trong xã hội. Những khung khổ pháp lý nêu trên đã góp phần thể chế hóa quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí...Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong khuôn khổ pháp luật; quy định rõ mối quan hệ giữa quyền với nghĩa vụ công dân; “không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
          Gần đây, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và không ít trang web trong và ngoài nước rêu rao rằng: ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; Hà Nội “bắt bớ nhiều blogger”... Điển hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế; Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), của tổ chức Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ)... Trong báo cáo năm nay, mặc dù không thể không thừa nhận Việt Nam đã có “tiến bộ về dân chủ, nhân quyền”, nhưng vẫn xuyên tạc tình hình, vu cáo Nhà nước vi phạm “tự do báo chí”, “đàn áp, bắt giữ trái phép các blogger”... Họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế. Những thủ đoạn, mưu đồ chống phá của chúng, trước hết là xuyên tạc khái niệm tự do báo chí; viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do báo chí, nhưng cố tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm theo rồi tán phát qua internet, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào. Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, chúng ta cần phải làm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
          Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, truyền thông và công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí chống phá Việt Nam.
          Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, truyền thông, quản lý internet, mạng xã hội; tăng cường cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo, quản lý trên lĩnh vực này. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định đạo đức nghề nghiệp; các chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe những biểu hiện vi phạm.
          Ba là, cán bộ làm công tác báo chí phải làm tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Do đó, mỗi nhà báo cần không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, thực hiện tốt Luật Báo chí và các quy định của pháp luật trên lĩnh vực báo chí; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
          Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực báo chí, truyền thông. Qua đó, chủ động phát hiện những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc ở các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhà báo để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
          Tự do ngôn luận báo chí đối với các chế độ xã hội và nhà nước là một điều kiện bảo đảm quyền con người: là một điều kiện quan trọng để phát triển xã hội về các mặt, từ tư tưởng, chính trị đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Tự do ngôn luận, báo chí của người dân Việt Nam đã được hiến định bảo đảm bằng một hệ thống pháp luật minh bạch. Vì vậy, mọi luận điệu xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam cần phải bị bác bỏ, lên án./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét