
Trong những năm qua và thời gian
gần đây, trước những khó khăn về kinh tế- xã hội, những hạn chế, khuyết điểm,
những vấn đề bức xúc trong Nhân dân chưa được giải quyết và những diễn biến
phức tạp của tình hình khu vực, nhất là tình hình Biển Đông… lợi dụng tình hình
này, những thế lực thù địch đã ra sức xuyên tạc tình hình, hòng bôi nhọ Đảng
Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội Việt Nam…
Họ viết và tán phát trên mạng
rằng: "Đàn áp về nhân quyền ở Việt Nam ngày càng gia tăng"; "các
quyền của người dân, trong đó có dân chủ, quyền lập hội, biểu tình… không được
thực hiện, trái lại ngày càng bị bóp nghẹt...". Vậy dân chủ và quyền con
người là gì? Những quyền này đã và đang được bảo đảm ở Việt Nam như thế nào?
Theo quan niệm chung, dân chủ là chế
độ chính trị trong đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân thực
hiện trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình bầu ra... Đó là các cơ quan
quyền lực và chính quyền các cấp. Về hình thức, hoặc mô hình dân chủ gồm có các
dạng-dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp. Một trong những đặc trưng nổi bật
nhất của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc “thiểu số phục tùng
đa số”, đồng thời thừa nhận quyền tự do về chính trị và quyền bình đẳng về giới
tính, về dân tộc, về vị thế chính trị-xã hội của mọi công dân. Trong đó gồm cả
quyền được bảo lưu của cá nhân.
Thực tế cho thấy, chế độ dân chủ
trên thế giới có nhiều mô hình. Đặc trưng nền dân chủ của Việt Nam là tất cả
mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; chế độ dân chủ của Việt Nam dựa
trên hệ thống chính trị các cấp-đó là chế độ sinh hoạt của Quốc hội, hội đồng
nhân dân các cấp; là tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc và của các đoàn thể xã hội
luôn luôn được tôn trọng. Ở đây tiếng nói, nguyện vọng của người dân được bảo
đảm thông qua các đại diện của mình. Một trong những đặc trưng của nền dân chủ
ở Việt Nam là chế độ dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền.
Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại
biểu đều có chương trình tiếp xúc cử tri. Những cuộc tiếp xúc cử tri được các
đài phát thanh, truyền hình đăng tải rộng rãi. Nội dung các cuộc tiếp xúc cử
tri ngày nay không chỉ là những vấn đề sinh kế, điều kiện sinh hoạt của người
dân, tham gia vào các dự thảo luật, mà cử tri còn đặc biệt quan tâm đến những
vấn đề lớn của đất nước, các chủ trương trong chính sách đối ngoại...
Quyền con người (QCN) là các nhu cầu
về vật chất và tinh thần-từ nhu cầu về dân sự, chính trị, đến kinh tế-xã hội và
văn hóa được luật hóa và được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Xét về lịch sử,
QCN chỉ đến với dân tộc Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Các Hiến
pháp Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 đã quy định về QCN. Nội dung
những quy định này hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về QCN. Hiến pháp
2013 đã dành cả một chương để quy định về QCN. Trong đó, Điều 14 quy định: “Ở
nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các QCN, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh
tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp
và pháp luật; QCN, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật
trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn
xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Kiểm soát quyền lực của nhân
dân không chỉ là nguyên tắc của chế độ ở Việt Nam mà còn là động lực của sự
phát triển. Những ý kiến xuyên tạc, phủ nhận thành tựu về dân chủ và QCN có
nhiều nguyên nhân, trong đó có những nhận thức không đầy đủ về dân chủ và QCN…
Ở nhiều quốc gia phương Tây, dân chủ thường gắn với các hoạt động chống chính
phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)… Đó là các cuộc tụ tập đông người, phá
hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến
tổng thống. Quyền tự do báo chí cũng có nội dung tương tự… Trách nhiệm của
người đưa tin, của cơ quan quản lý báo chí thường rất nhẹ. Vì vậy dùng tiêu chí
dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét, đánh giá chế độ dân chủ và
QCN của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và thiếu sót về phương pháp luận.
Không phủ nhận rằng trong quá trình
quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm
quyền dân chủ của người dân. Ở địa phương này, địa phương khác vẫn còn có hiện
tượng lợi ích của người dân chưa được tôn trọng, bảo đảm, nhất là trong vấn đề
đất đai. Đây là vấn đề lớn mà các cấp ủy và chính quyền cần đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về
mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ
chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo
đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội. Bảo đảm dân chủ và QCN vừa là
quyền, vừa là mục tiêu hướng đến của chế độ… vì vậy mỗi chúng ta cần nỗ lực hơn
nữa để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền dân chủ và QCN theo đúng quy định của
Hiến pháp và pháp luật.
Ngọc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét