Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang

Âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang đã được các thế lực thù địch áp dụng thành công ở Liên Xô trước đây. M. Gorbachev và những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin.
M.Gorbachev đã cố tình xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang, làm cho Quân đội và Công an bị “phi chính trị hoá” và bị vô hiệu hoá, từ đó mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc XHCN (mặc dù quân đội Liên Xô lúc bấy giờ vẫn còn 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại). Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự tan rã của Liên bang Xô viết.
Lực lượng vũ trang ra đời khi xã hội phân chia thành các giai cấp và xuất hiện Nhà nước, nó gắn liền và bị chi phối bởi tính chính trị của Nhà nước và giai cấp đã sinh ra nó. Lực lượng vũ trang là lực lượng đặc biệt của giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc, là công cụ vũ trang chủ yếu của Nhà nước để bảo vệ chế độ, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhằm thực hiện quyền thống trị của giai cấp cầm quyền.
Do đó, vấn đề chính trị của lực lượng vũ trang luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu, liên quan đến bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng chiến đấu; thực chất là giải đáp câu hỏi lực lượng vũ trang do ai tổ chức, lãnh đạo; chiến đấu cho ai, vì ai?
Thực tiễn cách mạng Việt Nam chỉ rõ, bài học thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới của giai cấp vô sản chính là xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị mà cốt lõi là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn liền với xây dựng tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội và Công an.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp; trong đó có những nguy cơ, thách thức trực tiếp đe dọa đến hoà bình, ổn định chính trị và phát triển của đất nước. Tuy hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như khủng bố quốc tế, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ; những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh…
Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thâm độc hơn nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đáng chú ý là, chúng triệt để lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế và tác động mặt trái của cơ chế thị trường tập trung tấn công vào nội bộ, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để mua chuộc, lôi kéo, cài cắm người vào các cơ quan trọng yếu; ráo riết tiến hành các hoạt động nhằm “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nhân tố gây mất ổn định để chống phá ta.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng, quân đội phải là lực lượng trung lập với chính trị, quân đội đứng ngoài chính trị và không phụ thuộc vào chính trị. Cần khẳng định đây là quan điểm hết sức sai trái và phản động, vì xuất phát từ chính bản chất của quân đội là đội quân mang tính giai cấp sâu sắc, được lập ra nhằm mục đích bảo vệ chính quyền do giai cấp lập nên.
Trong lần về thăm Trường Chính trị trung cấp Quân đội (nay là Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng) ngày 25-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các học viên: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, dân sự. Phải học tập chính trị: quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.
QĐND ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo và giáo dục, có nhiệm vụ chiến đấu giành và giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước, chính vì vậy, bản thân nó đã là một lực lượng chính trị.
Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam đã chứng minh: Quân đội là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó được thể hiện trước hết ở sự thống nhất về mục tiêu chiến đấu của Quân đội với mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
   
      Quang Đệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét