Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

TINH THẦN QUẬT KHỞI CỦA NAM BỘ KHÁNG CHIẾN




Chỉ  21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, ngày 23-9-1945 thực dân Pháp với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa đã nổ súng gây hấn tại Nam Bộ. Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui của độc lập, tự do đã phải đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm...
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm sở cảnh sát, trụ sở Ủy ban nhân dân, nhà máy điện, kho bạc... của chính quyền cách mạng. Trước hành động ngang ngược của kẻ thù, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ đã tiến hành họp  khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Tại cuộc họp đã quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ  do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều 23-9, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ ra Tuyên cáo quốc dân, khẳng định: "Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia"; ra lệnh phát động toàn dân triệt để tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp, tiến hành cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây địch trong thành phố, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch.
Theo lệnh của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh đã lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Khắp thành phố, mọi sinh hoạt chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động. Công nhân nhà máy đồng loạt  nghỉ việc. Nhà đèn bị phá. Mọi thứ vật dụng như: giường tủ, bàn ghế, quầy hàng, xe bò, xe kéo, xe thổ mộ, tủ kem... đều được quẳng ra đường phố làm chướng ngại vật cản bước tiến quân địch. Bên trong thành phố, gần 350 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu. Bên ngoài thì các lực lượng vũ trang siết chặt vòng vây.
Cuộc kháng chiến nổ ra sớm nhất tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh trong đêm 22-9-1945. Về phía đội quân cách mạng, bên cạnh lực lượng tự vệ vũ trang được trang bị thô sơ - tầm vông vạt nhọn và tất cả những gì có thể chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ðã có hàng vạn thanh niên, học sinh, lao động, thợ thuyền, quần chúng yêu nước tự nguyện xông ra các tuyến đường, các công sự do nhân dân ta đắp nên những ngày đầu kháng chiến, lập chướng ngại vật, bao vây cắt đường giao thông,... Ngay ngày 23-9-1945, giặc Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu anh dũng  của quân đội ta ở dinh Ðốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố), đường Verdun, ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành, cầu Marc Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Một đơn vị bảo vệ trụ sở Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ đánh địch ngay trong ngày 23-9 gây cho địch nhiều thiệt hại. Ðặc biệt là trận chiến đấu của một tiểu đội vũ trang  bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ nêu cao tấm gương hy sinh đến người lính cuối cùng vì sự nghiệp cứu nước.
Mặc dù đứng trước muôn vàn khó khăn và tình hình diễn biến rất phức tạp, nhưng đông đảo các tầng lớp nhân dân Nam Bộ đã tổ chức và đẩy mạnh chiến tranh du kích, thực hiện tiêu thổ kháng chiến "vườn không nhà trống" ngay tại trung tâm Sài Gòn, hưởng ứng rộng khắp lời kêu gọi của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ.
Cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh đã kìm chân thực dân Pháp hơn một tháng tại thành phố, bước đầu phá vỡ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, thể hiện  quyết tâm cao độ trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước của nhân dân ta. Ðồng thời, tạo điều kiện cho các tỉnh Nam Bộ có thêm thời gian chuẩn bị đối phó lâu dài khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ và cả nước. Quân và dân Nam Bộ đã sẵn sàng hy sinh, quyết giữ nền  độc lập non trẻ vừa giành được  sau 80 năm dưới sự cai trị của  thực dân Pháp xâm lược.
74 năm qua, tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến đã luôn là động lực to lớn, cổ vũ đồng bào Nam Bộ nói riêng và toàn dân tộc ta vững bước vượt qua những thử thách của lịch sử. Kế thừa và phát triển tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến lên một tầm cao mới đã giúp quân dân ta viết lên bao trang sử hào hùng.


 Phước Trong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét