Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

CẦN CÓ PHƯƠNG THUỐC ĐẶC TRỊ BỆNH CÔNG THẦN VÀ KIÊU NGẠO CỘNG SẢN



 Những ngày vừa qua, bài báo “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản” và những ý kiến phản hồi của các tướng lĩnh, cán bộ, đảng viên đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng, đồng tình của dư luận xã hội; được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Cùng với tiếp tục phê phán, chỉ ra hậu quả, nguyên nhân của những sai phạm, dư luận chung cho rằng để đẩy lùi căn bệnh trên, cần phải xử lý cả bằng kỷ luật và pháp luật, sự vào cuộc và sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng. Và cần phải có phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản.
Bệnh công thần là vô cùng nguy hiểm. Người ta tự cho mình là công thần rồi nói năng bất chấp đúng sai. Hiện nay có nhiều thông tin trên mạng xã hội về những cán bộ phát biểu tùy tiện, có dấu hiệu kiêu ngạo, công thần, trong đó có cả sĩ quan cấp tướng đã nghỉ hưu.
Không kể hết tướng lĩnh đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng họ nhận thức rằng những gì họ đã làm được là rất nhỏ bé đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc. Đóng góp cho Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, làm nghĩa vụ, làm cách mạng thì không kể công. Là tướng lĩnh, những người đi trước là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước lại càng phải nhận thức được như vậy.
Những gì chúng ta đã cống hiến chỉ là hạt cát nhỏ giữa biển cát mênh mông của cuộc cách mạng mà thôi. Bác Hồ cũng không tự nhận xét mình là người có công nhất. Chỉ có nhân dân công nhận và vinh danh Bác Hồ.
Tướng lĩnh ngày xưa phải xông pha trận mạc, kinh qua chiến đấu, đánh giặc và cũng nhờ sự giáo dục của Đảng, qua rèn luyện của quân đội mà trưởng thành. Tư tưởng chê bai thế hệ đi sau một cách vô lý là thiển cận.
Trong điều kiện đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh, các thế lực thù địch còn điên cuồng chống phá, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc còn nhiều thách thức thì đây là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có những tướng lĩnh về hưu phải chung sức, chung lòng, chia sẻ với quân đội. Những tướng lĩnh đã về hưu phải là điểm tựa cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội vượt qua khó khăn, thách thức. Đó mới là đạo của người làm tướng. Người làm tướng phải có tâm và có tầm
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có biết bao tấm gương về sự cống hiến, hy sinh, nhiều người được phong tặng danh hiệu anh hùng. Nhưng sự hy sinh của quần chúng nhân dân mới là sự hy sinh to lớn và cao quý nhất. Không ai được phép dùng công trạng nhỏ bé của mình để tâng bốc bản thân, có những hành động và phát ngôn bừa bãi. Bài viết trên Báo QĐND về bệnh công thần đã góp phần phê phán kịp thời hiện tượng đó.
Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi người có một sứ mệnh; người có thể lập chiến công trong một giai đoạn nhất định, nhưng lợi dụng để vỗ ngực, kể công thì không nên. Trong cuộc sống, nếu không giữ được phẩm chất, giữ được truyền thống thì người đó sẽ tự xóa bỏ danh dự của mình.
Ở tầm của một vị tướng khi phát biểu thì phải đặt lợi ích của quân đội, của nhân dân lên trên, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Mình phải giữ được truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân./.

Tuấn Khương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét