Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

NHỐT” QUYỀN LỰC TRONG “LỒNG” CƠ CHẾ



Những ngày qua, dư luận xã hội bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định số 205 thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của công tác cán bộ tồn tại nhiều nhiệm kỳ qua; đây được kỳ vọng là công cụ sắc bén, là cái “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực, nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ.
Thực tiễn cho thấy, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay; rất nhiều vi phạm trong công tác cán bộ gần đây đã được đưa ra ánh sáng (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã có hơn 53.100 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý). Quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ là tác nhân chính làm tha hóa cán bộ, từ đó làm tha hóa, thoái hóa, biến chất cả bộ máy. Nếu chúng ta làm tốt việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đồng nghĩa với ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng chạy chức, chạy quyền. Quy định số 205 được coi là thông điệp, quyết tâm chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay.
Ðể quy định trên cùng với các văn bản khác về công tác cán bộ sớm được hiện thực hóa trong cuộc sống, nhất là quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, các cơ quan, cá nhân làm công tác cán bộ cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, nêu cao trách nhiệm trong từng việc, từng bước, từng khâu của công tác cán bộ. Cùng với đó, có nhận thức sâu sắc, nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt với các biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền... Điều hết sức quan trọng là có cơ chế, tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ một cách hiệu quả, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Để chống lại tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân”.

Văn Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét