Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

CẦN MẠNH MẼ ĐẤU TRANH VỚI CĂN BỆNH CÔNG THẦN, KIÊU NGẠO CỘNG SẢN



 

Những ngày vừa qua, trên các trang báo và các trang mạng xã hội đang nóng với những bài viết phản ánh, đấu tranh về bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản. Các bài viết đã phê phán căn bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản, đã nêu trúng hiện tượng mà gần đây một số cán bộ đã mắc phải, như việc có người đã phát ngôn trong một hội thảo gần đây, tùy tiện bịa đặt thông tin, phê phán một số đồng chí cán bộ cao cấp của Quân đội ta chưa qua chiến tranh, trình độ quân sự hạn chế,... Những việc làm đó là hoàn toàn sai trái, trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, trái pháp luật. Người cán bộ, đảng viên phát ngôn phải tôn trọng sự thật, không được xuyên tạc, bịa đặt, vu khống. Nội dung phát biểu phải đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nói về bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến bệnh công thần: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Theo Người: “… Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng...”. Người cũng chỉ ra nhiều thứ “bệnh” của cán bộ, trong đó có bệnh kiêu ngạo với những biểu hiện: “Tự cao, tự đại, hay lên mặt. Ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo... Việc gì cũng muốn làm thày người khác”. Cùng với đó là bệnh hiếu danh, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Rồi bệnh óc lãnh tụ: “Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi. Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu!”. Theo Người, để phòng trị bệnh kiêu ngạo, công thần, mỗi cán bộ, đảng viên phải: Rèn luyện đức khiêm tốn; thật thà tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác; kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm...
Căn bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản hiện nay không chỉ diễn ra ở những cán bộ cấp cao, có quyền cao chức trọng đã về hưu hoặc còn đang công tác, mà thiết nghĩ nó còn xảy ra ở những cán bộ địa phương, ở cấp cơ sở. Đó là những cán bộ có chút công danh, chức quyền, làm việc có chút năng lực được cơ quan, tổ chức tín nhiệm thì tự cho mình là đúng, là quan trọng, là tài năng hơn những người khác và khi đó thì có biểu hiện xem thường tổ chức, xem thường tập thể, xa dân, tự cho mình cái quyền hơn người khác, cho rằng mình cống hiến nhiều rồi nên phải có quyền lợi, được hưởng thụ nhiều hơn, thậm chí có những lời nói, hành động trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, có những việc làm trái pháp luật, tham nhũng, lãng phí,… Đó là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và số lượng là không ít như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đề cập.
Đấu tranh chống căn bệnh công thần, kêu ngạo công sản là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, nhất là trước thềm Đại hội các cấp thì việc chọn lựa nhân sự cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đủ “Tâm, tầm, trí” là rất qua trọng. Do đó, mỗi chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, kiên quyết chống những biểu hiện sai trái, căn bệnh công thần, kêu ngạo công sản, trước hết là ở trong cơ quan, đơn vị mình./.
Nam An
.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét