Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Cơ sở về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam




Thời gian qua, xuất hiện luận điệu cho rằng: “quân đội là của toàn xã hội”, “quân đội đứng ngoài giai cấp” hay “quân đội trung lập về chính trị, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái chính trị nào”, v.v. Thực chất, đây là luận điệu mơ hồ về giai cấp, phản động về chính trị và xuyên tạc, lừa bịp về nguồn gốc, bản chất của quân đội. Ở Việt Nam, luận điệu này nhằm mục đích “phi chính trị hóa” Quân đội, tiến tới gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội ta. Đây là một trong những âm mưu, thủ đoạn rất thâm độc nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là nguyên tắc bất di, bất dịch, dựa trên cơ sở chính trị, lịch sử và pháp lý vững chắc.
Về cơ sở chính trị, lịch sử, Cờ-lau-dơ-vít (1780 - 1831) - nhà lý luận quân sự tư sản của nước Phổ - cho rằng: chiến tranh là sự kế tục của chính trị; quân đội xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: một khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, thì tất yếu phải thừa nhận không bao giờ và không ở đâu có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị,” hoặc “không dính đến chính trị”.
Thực tế cho thấy, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị rõ ràng và quân đội của các bên tham chiến được giai cấp cầm quyền tổ chức, nuôi dưỡng nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của cuộc chiến tranh. Việc một số nhà lý luận tư sản hiện đại cho rằng: “quân đội là của toàn xã hội”, “quân đội đứng ngoài giai cấp”, thực chất là muốn che giấu bản chất giai cấp của quân đội. Cho đến nay, bản chất giai cấp, nhà nước luôn giữ vai trò quyết định đối với quân đội cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Quân đội luôn có mục tiêu chiến đấu vì lợi ích giai cấp, nhà nước sản sinh ra nó; không thể và không bao giờ có một quân đội nào chiến đấu vì lợi ích chung chung của mọi giai cấp.
V.I. Lê-nin đã vạch rõ, việc nói rằng không lôi kéo quân đội vào chính trị là khẩu hiệu “giả nhân giả nghĩa” của giai cấp tư sản; đồng thời, khẳng định: quân đội của chúng ta là quân đội của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản. Để xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản có đủ bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sức mạnh chiến đấu, V.I. Lê-nin đề ra các nguyên tắc: quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; tiến hành công tác chính trị; sự nhất trí giữa quân đội và nhân dân; tập trung trong lãnh đạo, chỉ huy quân đội; kỷ luật quân đội nghiêm minh, tự giác; ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu,… đủ sức bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược, v.v. Như vậy, Đảng Cộng sản “lập ra quân đội”, “chỉ huy quân đội”; mục tiêu chính trị của quân đội vô sản là thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân, biểu hiện tập trung ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Ai đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xem nhẹ, buông lỏng vấn đề xây dựng quân đội về chính trị, tất yếu sẽ dẫn đến kết cục làm cho quân đội xa rời bản chất giai cấp công nhân, mất phương hướng chính trị, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, dẫn đến suy yếu, thậm chí biến chất và vô dụng, có hại cho dân, cho nước.
Thực tế lịch sử luôn khẳng định, quân đội của các nước tư bản được tổ chức ra để phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản. Có người cho rằng: quân đội tư sản không chịu sự lãnh đạo của bất cứ một đảng phái, giai cấp nào; là tổ chức trung lập trước mọi biến động chính trị - xã hội, đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị của các chính đảng(!) Sự thật không phải như vậy! Ở các nước đó, các đảng chính trị thay nhau cầm quyền đều là đại diện cho các thế lực tư bản. Đảng nào nắm quyền điều hành xã hội, cũng đều có trách nhiệm xây dựng, nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị và sử dụng quân đội phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Thực tế là, ở các nước, như: Mỹ, Anh, Pháp,... quân đội không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ thể chế tư bản chủ nghĩa, mà còn được dùng vào các hoạt động xâm lược, lật đổ, can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền khác, nhằm mục tiêu chính trị là dựng lên ở đây các chính phủ thân phương Tây (thực chất là để phục vụ đường lối đối nội và đối ngoại của các đảng chính trị cầm quyền, mà suy cho cùng là phục vụ lợi ích của các thế lực tư bản độc quyền đứng đằng sau các chính phủ đương nhiệm). Mới đây, ở nước Mỹ, khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ chưa thống nhất với nhau về chi tiêu ngân sách, kinh phí hoạt động của chính quyền liên bang cạn kiệt, hầu hết các cơ quan của chính phủ phải đóng cửa, ngừng làm việc, nhưng Quân đội Mỹ vẫn được ưu tiên hoạt động bình thường. Điều đó đã minh chứng: tính giai cấp là yếu tố khách quan, vốn có của quân đội và một khi tự tách khỏi sự lãnh đạo của giai cấp cầm quyền, thì quân đội sẽ mất phương hướng chiến đấu và bị vô hiệu hóa. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, Quân đội Liên Xô rơi vào bẫy “phi chính trị hóa” của các thế lực thù địch, tự rời xa nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị, xóa bỏ cơ chế Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội, nên mất phương hướng chính trị, giảm sút sức mạnh chiến đấu, không còn là lực lượng chính trị, công cụ bạo lực sắc bén, tin cậy của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô,… làm cho Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ.
Ở Việt Nam, vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin, ngay từ năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đã chỉ rõ: Đảng phải “Tổ chức ra quân đội công nông”. Ngày 22-12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xác định rõ nhiệm vụ “tuyên truyền vũ trang”; trong hoạt động “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền vận động trọng hơn tác chiến”; tổ chức theo phương châm “người trước súng sau”, v.v. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”; do đó: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Phải tăng cường giáo dục chính trị để nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho toàn quân”. Đây là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh về quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân - quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 
Về lịch sử, Quân đội ta do Đảng ta xây dựng trên nền tảng sự phát triển của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và dân chủ nhân dân của nước ta. Cùng với tiến trình phát triển của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta từng bước được hình thành và không ngừng lớn mạnh. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), các đội Tự vệ đỏ, Xích vệ đỏ đã được thành lập. Trong thời kỳ phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ dẫn đến các cuộc khởi nghĩa và chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng 8 - 1945 giành độc lập, tự do cho dân tộc, các trung đội Du kích Nam Kỳ khởi nghĩa (1940), Du kích Bắc Sơn (1941) lần lượt ra đời, đỉnh cao là việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội ta hiện nay. Điều đó cho thấy, chính phong trào quần chúng cách mạng đã sản sinh ra quân đội cách mạng từ thấp đến cao, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng. Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và nhân dân sâu sắc là vì thế. Đó là niềm tự hào, tài sản vô giá của Quân đội ta, nó không ngừng được bồi đắp trong quá trình xây dựng và trưởng thành.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Qua đó cho thấy rõ bản chất cách mạng của Đảng ta, một đảng được sinh ra bởi sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đó chính là tính đặc thù của Đảng ta trong quá trình hình thành, phát triển. Đảng được nhân dân giao cho sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Quân đội ta được xây dựng và đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Điều hiển nhiên, Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, nhân dân sâu sắc, luôn chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Điều đó làm cho Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây là sự thật lịch sử không thể bác bỏ!
Vì thế, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 51-NQ/TW về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Nhờ đó, “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đây là lý tưởng chính trị - đạo đức, không chỉ mang tính cách mạng và khoa học, đúng quy luật của xã hội Việt Nam đương đại, mà còn phản ánh khát vọng thiêng liêng tự giải phóng, giành quyền độc lập - tự do - hạnh phúc của đất nước, của nhân dân. Chính vì vậy, không thể có và không bao giờ có một quân đội phi chính trị, trung lập, đứng ngoài giai cấp.
Về cơ sở pháp lý, việc hiến định vai trò lãnh đạo của giai cấp, nhà nước đối với quân đội trong hiến pháp và pháp luật là nhằm khẳng định quyền lãnh đạo quân đội không thể chia sẻ của mình. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trực tiếp quyết định sự tồn tại, phát triển của quân đội nói riêng, đến sự tồn vong của chế độ chính trị - xã hội và vận mệnh của giai cấp, quốc gia, dân tộc nói chung.
Điều 35, Hiến pháp Cộng hòa Pháp quy định, chỉ nghị viện mới có quyền thông qua các quy định, như: “các quyền dân sự, các bảo đảm cơ bản cho công dân thực hiện các quyền tự do công dân của mình, nghĩa vụ về người và tài sản của công dân phục vụ nhiệm vụ quốc phòng”.
Khoản 5, Điều 13, Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Nga, cấm các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, trừ nhà nước “thành lập và cấm sự hoạt động của các tổ chức xã hội có mục đích hay hoạt động hướng tới việc dùng bạo lực để thay đổi nền tảng chế độ hiến pháp và xâm phạm sự toàn vẹn của Liên bang Nga, đe dọa an ninh quốc gia, thành lập các tổ chức vũ trang, gây chia rẽ về xã hội, chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo”.
Trong Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, tại Khoản 8, Điều I, quy định: nhà nước có nhiệm vụ “nuôi dưỡng và cung cấp cho quân đội,…”; Mục 3, Khoản 10, Điều I, quy định: “Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không một bang nào được,… duy trì quân đội và tàu chiến trong thời kỳ hòa bình, ký kết hiệp định hoặc thỏa ước với một bang khác hoặc với lực lượng nước ngoài”. Còn Mục 1, Khoản 2, Điều II, quy định: “Tổng thống là Tổng Tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ”. Những quy định đó phải chăng nhằm bảo đảm cho Quân đội Mỹ luôn là một quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị? Không, không thể và không bao giờ có! Quân đội Mỹ phải phục vụ cho mục đích chính trị của giai cấp tư sản, Nhà nước Mỹ.
Ở Việt Nam, Điều 65, Hiến pháp năm 2013, chỉ rõ: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Trên cơ sở Hiến pháp, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội, Nhà nước đã ban hành các luật có liên quan, như: Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về Lực lượng Dự bị động viên. Như vậy, việc khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội là hoàn toàn phù hợp cả về lý luận và luật pháp, theo ý nguyện của toàn thể dân tộc Việt Nam. Không một thế lực nào có thể bác bỏ được điều đó.
Hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội ta luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với Quân đội ta là bất di, bất dịch. Mọi luận điệu đòi “phi chính trị hóa” Quân đội, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, nhằm làm suy yếu chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội để dễ bề thực hiện âm mưu xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được, là phi lý, phải kiên quyết bác bỏ.
 Văn Đức 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét