Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

“XÓA BỎ VĂN HÓA DÂN TỘC KHMER” LÀ LUẬN ĐIỆU PHI LÝ, MỊ DÂN

             Để lôi kéo kích động đồng bào Khmer tham gia các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, các đối tượng xấu trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền cái gọi là chính quyền muốn “xóa bỏ văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer” với những luận điệu hết sức trơ trẽn và mị dân.

Trong thời gian gần đây, một số đối tượng xấu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã lợi dụng các vấn đề như phá bỏ cổng chào, không đưa mục dân tộc, tôn giáo vào căn cước công dân; bịa đặt thông tin chính quyền không cho người dân tổ chức các trò chơi dân gian nhân dịp lễ Chôl Thnăm Thmây năm 2023,… để chúng đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng “chính quyền người Việt muốn xã bỏ văn hóa của người Khmer”, muốn thực hiện chính sách “đồng hóa dân tộc Khmer”. Đây là luận điệu xuyên tạc, mị dân hòng lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh nói riêng và Tây Nam bộ nói chung tham gia vào các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc trong tỉnh và khu vực.

Thực tế cho thấy, kể từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam, coi đó là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…” Người khẳng định: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”, hay trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đó là cơ sở để khẳng định trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước ngày càng văn minh, hiện đại, cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn giữ vững truyền thống thương yêu, đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau để phát triển bền vững trong mái nhà chung và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến tính đa dạng trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, coi đó là di sản vô cùng quý giá của dân tộc. Điều đó được thể hiện trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng văn hóa hay nói cách khác văn hóa các tộc người trên đất nước Việt Nam đều được bình đẳng, không hề có sự phân biệt “văn hóa cao” và “văn hóa thấp”, không có quan điểm nào coi văn hóa của tộc người này, tộc người kia là “lạc hậu” trong tâm thức của hầu hết con người Việt Nam, cũng như trong các chính sách phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, việc bảo đảm sự đa dạng về văn hóa hay nói cách khác là việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã giúp cho đất nước đứng vững trước những khó khăn và phức tạp trong nước và quốc tế, đặc biệt là khả năng chống chịu tốt đối với “cú sốc” về tình hình thời tiết, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, kinh tế… từ bên ngoài. Tính đa dạng văn hóa đã làm giàu kho tàng chung của văn hóa Việt Nam và còn là nhân tố quan trọng để đất nước ta phát triển vượt bậc và đạt được cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày hôm nay.

Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực thi nhiều chính sách quan trọng để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trong đó có chính sách đẩy mạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, coi di sản văn hóa các dân tộc anh em là bộ phận quan trọng không thể tách rời trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất đa dạng. Sự khác biệt, bản sắc văn hóa của từng tộc người trên đất nước Việt Nam đều được khẳng định và được ứng xử một cách bình đẳng trên tinh thần tôn trọng, không có một chủ thể văn hóa nào dùng sức mạnh về số đông hay yếu tố khác để áp đặt các giá trị văn hóa của cộng đồng mình lên một chủ thể văn hóa khác. Những thành tựu trong việc thực hiện các chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào thiểu số (trong đó có phát triển văn hóa) là những minh chứng cụ thể về thúc đẩy toàn diện các quyền của các tộc người nói riêng và quyền con người nói chung tại Việt Nam.

Đối với tỉnh Trà Vinh, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số), Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 13/10/1992 về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/10/2003 về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9/9/2011 về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 - 2015; Kết luận số 01-KL/TU ngày 16/6/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU; Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 23/4/2018 thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong chủ trương phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer thì chủ trương bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa được chỉ đạo thực hiện đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như: tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sêne Đôl ta, lễ hội Ok - Om - Bok …; nghi lễ dân gian đặc trưng như: lễ Cầu mưa, lễ Cầu an, lễ Cúng Neak Tà…; nghi lễ truyền thống của Phật giáo như: lễ Phật đản, lễ Nhập hạ, lễ Xuất hạ, lễ Xuất gia, lễ Dâng y; lễ nghi liên quan đến việc cưới, việc tang, được bảo tồn và phát huy những yếu tố mới phù hợp với xu hướng hiện đại.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống trước đây gần có nguy cơ bị mai một, nay có điều kiện phục hồi và phát triển như ngũ âm, Sa dăm, Rô băm (kịch múa), Dù kê (kịch hát). Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer còn được thực hiện thông qua chủ trương đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong vùng có đông đồng bào Khmer: toàn tỉnh hiện có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhaydam, 35 đội múa Chằn - Khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 8 đội ghe Ngo, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc trong các lễ hội được phục hồi và ngày càng phát triển. Thông qua các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian trong các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer được bảo tồn, phát huy, bổ sung thêm các yếu tố hiện đại, nhưng vẫn đậm bản sắc dân tộc.

Các tác phẩm văn học, văn nghệ Khmer được bảo tồn, phát triển, công tác sưu tầm, bảo tồn các hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm đầu tư về kinh phí. Đến nay, Nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer tỉnh được duy tu, sửa chữa và trưng bày trên 1.000 hiện vật có giá trị, phục vụ cho nhu cầu tham quan, học tập nghiên cứu, cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer. Hiện nay, đồng bào Khmer có 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, lễ hội Ok - Om - Bok và Nghệ thuật Rô - Băm, 06/16 di tích cấp quốc gia và 16/37 di tích cấp tỉnh là di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Hiện nay, tỉnh đang triển khai Dự án làng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh gắn với di tích Chùa Âng - Ao Bà Om và di tích Bờ lũy - Chùa Lò Gạch, tạo thành quần thể văn hóa, du lịch với mục tiêu vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Ngoài ra, công tác giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Khmer còn được thực hiện thông qua việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào Khmer cũng được quan tâm triển khai thực hiện tốt: toàn tỉnh có 121 điểm trường, 134/143 chùa tổ chức dạy học chữ Khmer dịp hè; 08 trường phổ thông dân tộc nội trú, hình thành Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ (nay là Trường Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn) thuộc Trường Đại học Trà Vinh, thành lập Trường Trung cấp Pali - Khmer. Việc bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào Khmer còn được thực hiện thông qua việc duy trì và phát triển các loại hình báo chí, phát thanh - truyền hình, các tạp chí, xuất bản phẩm bằng tiếng (chữ) Khmer: hiện tỉnh có 1 từ Báo chữ Khmer phát hành 02 kỳ/tuần, phát hành đến 143/143 chùa Khmer, 2 tờ nội san chữ Khmer; 1 chương trình phát thanh và 1 chương trình truyền hình với nhiều loại hình thông tin, văn hóa, văn nghệ bằng tiếng Khmer (60 phút phát hình và 90 phút phát thanh/ngày); Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được đầu tư và phát triển.

Bên cạnh việc quan tâm giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer thì chính sách chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào cũng luôn được triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, ngoài những yếu tố hiện đại của thế giới do quá trình toàn cầu hóa tác động đến sự biến đổi văn hóa của các dân tộc trên thế giới, nhất là các vấn đề về văn hóa vật chất (ăn, mặc, ở, phương tiện đi lại, tiếp cận thông tin, truyền thông), trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer không những không bị “xóa bỏ”, “mất đi” mà còn tiếp thu được cái mới, cái hiện đại để làm tăng thêm giá trị cho bản sắc văn hóa của mình, đồng thời các bản sắc độc đáo của đồng bào Khmer cũng đã được các phương tiện truyền thông hiện đại lan tỏa rộng rãi ra bên ngoài. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer được tôn trọng và lan tỏa và đón nhận bởi cộng đồng các dân tộc khác trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Về văn hóa ẩm thực: không ít người Kinh và người Hoa trên địa bàn tỉnh nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung biết đến và rất thích các món ăn có nguồn gốc của đồng bào Khmer như bún nước lèo, canh xiêm lo, lẩu mắm, cốm dẹp trộn với đường, dừa nạo, nước cốt dừa, bánh ít nhân dừa, bánh tét, bánh ú nước tro (krôpông), bánh ít (man tiel), bánh da lợn (lốp ột), bánh dừa (xòm), bánh chuối hấp (chiếk chiên), bánh ống (pầm pồn), bánh xèo (chặc ompèn).v.v... Trong các loại bánh thì bánh tét có vị trí đặc biệt, bánh tét người Khmer gọi là “Chrut” và bánh tét “Trà Cuôn” ẩn chứa đâu đó sự pha trộn văn hóa ẩm thực của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa . Về văn hóa lễ hội: không ít người Kinh, người Hoa hiểu và thực hiện được một số nghi lễ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc; tích cực xây dựng, phát triển cũng như tham gia các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc. Còn nhiều minh chứng khác để khẳng định các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer đã lan tỏa và được các dân tộc khác đón nhận một cách tự nhiên, dung hòa.

Từ những phân tích trên cho thấy, cái gọi là "chính quyền muốn xóa bỏ văn hóa của người Khmer" là luận điệu xuyên tạc, phi lý và hoàn toàn đi ngược lại những gì đã và đang diễn ra trên thực tế nhằm lôi kéo, nhằm kích động đồng bào tham gia vào các hoạt động chống phá, hòng phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, phá hoại sức mạnh của dân tộc. Vì vậy, đồng bào Khmer, nhất là giới trẻ tuyệt đối không tin, không nghe và mạnh dạn bác bỏ, lên án mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, sai trái về những chủ trương, chính sách đối với đồng bào Khmer. Không tham gia vào các tổ chức và các hoạt động của các đối tượng xấu, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, vạch trần những âm mưu thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, giữ vững sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét