Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT NAM BỘ VÀ NHỮNG NGÔN TỪ BỊA ĐẶT VỀ "NGÀY MẤT ĐẤT - 4/6" CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH.

 Hằng năm cứ gần đến tháng 6, các hội nhóm Khmer Kampuchia Krom và các đối tượng phản động người Khmer trong và ngoài nước hô hào, kêu gọi người dân gốc Khmer đang sinh sống ở các nước “Tổ chức kỷ niệm ngày mất đất - 4/6” tuyên truyền, đăng tải những tài liệu, hình ảnh sai sự thật về vùng đất Nam Bộ.

Họ dựa trên Luật số 49-733 của Quốc hội nước Cộng hoà Pháp ký ngày 4/6/1949, với luận điệu cho rằng: “Kampuchia Krom bị Pháp cắt khỏi lãnh thổ Kampuchia và cho sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, chịu sự quản lý của chính quyền Việt Nam”.

Vậy sự thật như thế nào? Qua các tư liệu lịch sử và các di tích khảo cổ học cho thấy:

 Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII, Nam Bộ là vùng đất thuộc Vương quốc Phù Nam.

 Phù Nam là một quốc gia ven biển (tương ứng với vùng đất Nam Bộ ngày nay). Trong thời kỳ cường thịnh, Phù Nam phát triển thành một đế chế gồm: Toàn bộ phần phía nam bán đảo Đông Dương (Nam Bộ Việt Nam, Campuchia, một phần nam Lào), một phần Thái Lan và bán đảo Malacca, trung tâm vẫn là Nam bộ Việt Nam.

 Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, Nam Bộ thuộc về Chân Lạp.

 Chân Lạp là một thuộc quốc của Phù Nam do người Khmer xây dựng, lúc bấy giờ ở vùng trung lưu sông Mê Kông và khu vực phía bắc Biển Hồ. Vào đầu thế kỷ VII, khoảng sau năm 627, nhân lúc Phù Nam suy yếu, Chân Lạp đã đánh chiếm và tiêu diệt Phù Nam. Sau khi tiêu diệt Phù Nam, Chân Lạp dồn sức phát triển các vùng trung lưu sông Mê Kông, khu vực Biển Hồ và nỗ lực bành trướng sang phía Tây, trong suốt thời kỳ này, vùng đất Nam Bộ thực sự chưa có sự quản lý về mặt hành chính của Nhà nước Chân Lạp. Từ cuối thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các Vương triều Xiêm (Thái Lan ngày nay), từ phía Tây, đặc biệt là từ sau khi Vương triều Ayuthaya hình thành vào giữa thế kỷ XIV. Trong suốt 78 năm (từ năm 1353 - 1431), Ayuthaya liên tiếp tấn công Chân Lạp. Sang thế kỷ thứ XVI, nhất là từ thế kỷ XVII, do sự can thiệp của nước Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc, nội bộ tranh giành quyền lực, Vương quốc này dần rơi vào thời kỳ suy vong. Trong bối cảnh như vậy, Chân Lạp hầu như không có khả năng kiểm soát đối với vùng đất còn ngập nước ở phía Nam vốn là địa phận của Vương quốc Phù Nam.

 Từ thế thứ XVI cho đến nay, Nam Bộ trở thành một bộ phận của nước Việt Nam.

 Trong các giai đoạn lịch sử, giữa nhà Nguyễn của Việt Nam và triều đình Chân Lạp đã tồn tại mối quan hệ hữu nghị và hòa bình. Năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II cưới Công nữ Ngọc Vạn làm vợ (con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên). Chúa Nguyễn trở thành chỗ dựa để vua Chân Lạp đối phó với nước Xiêm, quan hệ hữu hảo này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt vốn đã có mặt từ trước và từ các nơi khác di cư tới tự do khai khẩn đất hoang, làm ăn sinh sống trên vùng đất Nam Bộ. Năm 1623 , để quản lý và thu thuế trong cư dân người Việt đã có mặt ở hầu khắp miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn, chúa Nguyễn đã lập ở vùng Sài Gòn ngày nay một trạm thu thuế.

 Sau cái chết của Chey Chetta II vào năm 1628, chính quyền Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắt, nhiều cuộc chiến diễn ra giữa các phe phái với sự trợ giúp quân sự của một bên là nước Xiêm là một bên là chúa Nguyễn. Bối cảnh này giúp cho người Việt tiến hành khai phá những vùng đất hoang hoá ở đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện cho chúa Nguyễn thiết lập quyền kiểm soát chính thức của mình trên những vùng đất cư dân Việt đã dựng nghiệp.

 Cùng thời kỳ này, một số quan lại nhà Minh (Trung Quốc) không thần phục nhà Thanh đã vượt biển đi về phía Nam đến đây và xin phép chúa Nguyễn được cư trú. Từ năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần đã tạo điều kiện để nhóm Dương Ngạn Địch (người vùng Quảng Tây) tổ chức khai phá và phát triển kinh tế vùng Tiền Giang (Mỹ Tho); cho nhóm Trần Thượng Xuyên chiêu dân tiếp tục mở mang vùng Biên Hòa - Đồng Nai. Năm 1671, Mạc Cửu cùng với 400 người Trung Quốc đến vùng đất hoang vu trong vịnh Thái Lan và xin thần phục vương triều Chân Lạp. Năm 1681, vua Jayajettha IV cho Mạc Cửu khai thác vùng đất dọc bờ biển phía Nam Chân Lạp; năm 1708, Mạc Cửu xin quy phục chúa Nguyễn và dâng toàn bộ đất đai thuộc quyền cai quản cho chúa Nguyễn. Với sự có mặt của các nhóm người Hoa cùng với người Kinh, người Khmer sinh cơ, lập nghiệp từ trước đã hình thành nên các trung tâm kinh tế quan trọng với nhiều làng mạc, khu dân cư tập trung, chợ, bến thuyền... ở vùng đất Nam Bộ. Năm 1698, chúa Nguyễn đã cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất Nam Bộ và cho lập ra ở đây một đơn vị hành chính lớn là phủ Gia Định. Đó là sự xác lập quyền lực, khẳng định chủ quyền trên thực tế của vương triều Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn (Pra Bát Ong Thong) trao cho chúa Nguyễn đất Tầm Phong Long (tương đương với vùng Tứ giác Long Xuyên ngày nay) để đền ơn cứu giúp giành lại ngôi vua, đánh dấu quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ của các Vương triều Việt Nam trên toàn bộ vùng đất Nam Bộ cơ bản hoàn thành.

Cùng với quá trình khai thác những vùng đất còn hoang vu của cư dân vùng Nam Bộ, chính quyền Việt Nam đã liên tục thực hiện các chính sách quản lý lãnh thổ với tư cách là chủ nhân vùng đất này. Vua Gia Long cho đào kênh Thoại Hà (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) . Vua Minh Mạng cho đào kênh Vĩnh Tế dài trên 70 km, nối Châu Đốc với Hà Tiên... Về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các chúa Nguyễn đã kiên quyết đánh bại các hành vi xâm phạm lãnh thổ ở vùng đất Nam Bộ của quân Xiêm vào các năm 1715, 1771. Năm 1785, anh hùng Nguyễn Huệ đã đánh tan sự xâm lược của quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang). Đầu thế kỷ XIX, các vua nhà Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống các đồn lũy trấn thủ dọc theo biên giới để bảo vệ lãnh thổ.

 Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Năm 1862, Pháp chiếm xong 3 tỉnh miền Đông của Việt Nam là: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, buộc triều đình Huế phải ký Hiệp ước nhường quyền cai quản các tỉnh này cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm các tỉnh còn lại là: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên; Triều đình Huế phải ký Hiệp ước năm 1874, nhượng tiếp cho Pháp 3 tỉnh miền Tây. Trước hành động xâm lược của Pháp và các Hiệp định ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn với chính phủ Pháp, chính quyền Campuchia và các nước khác lúc đó không có bất cứ một phản ứng gì. Điều đó chính là sự thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất này.

 Cùng thời gian này, năm 1863, Vương quốc Campuchia ký hiệp ước chịu sự bảo hộ của Pháp. Trong hiệp ước này, Vương quốc Campuchia không hề đề cập tới phần lãnh thổ do Pháp chiếm ở Nam kỳ.

Chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ được khẳng định vững chắc bằng sự xuất hiện của người Kinh, chủ nhân chính khai phá vùng đất trũng còn hoang sơ trong một thời gian dài một cách hoà bình; bằng quyền quản lý hành chính liên tục, trên thực tế của chính quyền Việt Nam trải qua các đời của các chúa và vua Nhà Nguyễn và được khẳng định rõ ràng bằng các văn bản có giá trị pháp lý được cộng đồng quốc tế công nhận.

 Sau khi hoàn thành việc xâm lược Đông Dương, năm 1887, thực dân Pháp thành lập "Liên bang Đông Dương" gồm một xứ thuộc địa Nam Kỳ và 4 xứ bảo hộ (Campuchia, Lào, Bắc Kỳ và Trung Kỳ). Để quản lý hành chính và khai thác thuộc địa thuận lợi, Pháp đã tiến hành phân định các ranh giới giữa các xứ trong "Liên bang Đông Dương" . Riêng ranh giới giữa Nam Kỳ và Campuchia được thực dân Pháp quan tâm. Ngày 15/7/1873, Thống đốc Nam Kỳ và vua Nô-Rô-Đôm ký Công ước hoạch định vĩnh viễn đường biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia từ Tây Ninh đến Hà Tiên. Đến năm 1876, đã hoàn thành việc cắm mốc trên thực địa theo Công ước này. Tiếp theo đó là các Nghị định ngày 10/02/1899; Nghị định ngày 20/3/1899: Nghị định ngày 06/12/1935; Nghị định ngày 11/12/1936; Nghị định ngày 26/7/1942,... sửa đổi bổ sung một số điểm chưa hợp lý.

 Ngay sau khi được thành lập tháng 9/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa đã khẳng định chủ quyền vùng đất Nam Bộ, bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ liên tục được tất cả các hiệp định có giá trị pháp lý quốc tế sau đó công nhận, như: Luật số 49-733, do Quốc hội Pháp thông qua và được Tổng thống Pháp lúc đó là Vincent Auriol ký vào ngày 4/6/1949, với nội dung chính là: Trả lại Nam Kỳ cho “ Quốc gia Việt Nam ” , đại điện là Bảo Đại . Đây là văn bản pháp lý chính thức của Nhà nước Pháp và phù hợp với thực tế lịch sử, bởi trước đó, trong các năm 1862 và 1874 chính quyền nhà Nguyễn của Việt Nam đã ký hiệp ước nhượng 3 tỉnh miền Đông và 3 tỉnh miền Tây cho Pháp; nay Pháp phải trả lại Việt Nam. Trước thắc mắc của Campuchia, ngày 08/6/1949, Chính phủ Pháp đã có thư chính thức gửi Quốc vương Campuchia lúc đó là Sihanouk, nói rõ cơ sở pháp lý và lịch sử của quyết định trên. Với bức thư này, Pháp không chỉ thừa nhận một thực tế lịch sử chứng tỏ người chủ thực sự của vùng đất Nam Bộ là Nhà nước Việt Nam, mà còn nêu lại một lần nữa cơ sở pháp lý khẳng định vùng đất Nam Bộ đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ trước khi Pháp đặt chân đến Nam Bộ. Hiệp định Geneve (1954) về Đông Dương; Hiệp định Paris (1973) về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; được các nước lớn, như Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc công nhận; chính phủ Lào, chính phủ Campuchia thừa nhận.

Với những bằng chứng trên cho thấy, việc các đối tượng sử dụng cụm từ "Ngày mất đất - 4/6" yêu cầu Việt Nam trả lại vùng đất Nam bộ cho Campuchia là hoàn toàn không có căn cứ. Trên mảnh đất Nam Bộ, các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… đã cùng nhau khai phá, lao động sản xuất, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, chỉ một bộ phận những phần tử cực đoan, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, kỳ thị dân tộc… bị lợi ích vật chất, tư tưởng hướng ngoại mới đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc, luôn tìm cách gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phục vụ cho ý đồ "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch bên ngoài chống phá đất nước.

Từ những vấn đề nêu trên, tất cả cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đặc biệt là đối với các vị chư tăng và đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cần nâng cao cảnh giác trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các hội nhóm Khmer Kampuchia Krom về lịch sử vùng đất Nam bộ của Việt Nam, về Ngày mất đất 4/6… Đây thực chất là những âm mưu, thủ đoạn nhằm kích động hận thù dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; không nghe theo những luận điệu xúi giục đi dự “Lễ Kỷ niệm Ngày mất đất 4/6” hoặc các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét