Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

BÁO CHÍ XUNG KÍCH TRÊN MẶT TRẬN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

 Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta với những âm mưu ngày càng thâm độc, những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” .

Nghị quyết số 35-NQ/TW đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí - truyền thông trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng. Đó là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên Internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí trong tình hình mới là: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” .

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng với những dấu ấn nổi bật. Các cơ quan báo chí, các nhà báo luôn ở vị trí xung kích đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Hiện nay, đội ngũ nhà báo Việt Nam hùng hậu cả về số lượng và chất lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra. Với sự ra đời của các loại hình truyền thông đa phương tiện, hiện đại, tạo mạng lưới thông tin rộng khắp ở các vùng, miền, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn đến với mọi tầng lớp nhân dân. Những thông tin, bài viết của các nhà báo đã góp phần gắn kết và thắt chặt mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Tuy nhiên, trên mặt trận chính trị tư tưởng hiện nay, báo chí nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, một số cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, đề cao vật chất, rời xa tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt...

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý. Điều đáng quan tâm là một số cơ quan báo chí chưa dám đấu tranh trực diện với những phần tử sai trái, phản động, xuyên tạc; chưa đâu tư thích đáng cho công tác này. 

Việc cung cấp thông tin cho báo chí về đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang tồn tại nhiều bất cập. Nhiều thông tin báo chí không có điều kiện tiếp cận, không được biết. 

Nhà báo tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trai thù địch là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ. 

Để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến những giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường công tác giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao trách nhiệm của người làm báo. Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên trong các cơ quan báo chí. Thường xuyên giám sát, kiểm tra phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành luật pháp và quy tắc ứng xử của nhà báo. Quan tâm bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; giám sát việc thực hiện các quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Hai là, các cơ quan báo chí cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; “Phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”…

Ba là, nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, tính thuyết phục cao. Gắn kết chặt chẽ yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên, với công tác tổ chức, cán bộ, bảo vệ nội bộ, xây dựng tổ chức đảng và xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh. 

Bốn là, kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh, cả trực tiếp và gián tiếp; chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí để viết bài đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội. 

Năm là, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới, thực hiện tốt các chương trình, chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản bác tin giả, thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần định hướng, dẫn dắt thông tin chính thống theo quan điểm, đường lối của Đảng; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW nhằm cung cấp thông tin, phát huy thế mạnh của từng cơ quan báo chí trên mặt trận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét