Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

SỰ KIÊN QUYẾT TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG 'GIẶC NỘI XÂM' CỦA VIỆT NAM

 Lý luận và thực tiễn đã chứng minh tham nhũng sẽ kéo lùi sự phát triển kinh tế-xã hội khi vấn nạn này làm mục ruỗng bộ máy thực thi, xói mòn động lực tăng trưởng của doanh nghiệp và cả nền kinh tế cũng như làm lung lay lòng tin của nhân dân vào tương lai phát triển của đất nước.

Một trong những mục tiêu của Đảng ta khi đẩy mạnh quyết liệt cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh trong sạch, lành mạnh, minh bạch, tạo dựng niềm tin và nền tảng vững chắc để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Thế nhưng, thời gian qua, các thế lực thù địch vẫn cố tình rêu rao những luận điệu rằng “chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam” hay “cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện gây bất ổn môi trường chính trị và làm chùn bước các nhà đầu tư nước ngoài.”

Năm 2022, một loạt lãnh đạo các doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam đã bị khởi tố, bị bắt, như vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân hay vụ xét xử Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện...

Ngay lập tức, các đài RFA, VOA… liên tục có những bài viết hướng lái dư luận rằng các “đại án” tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế làm hoang mang giới đầu tư, làm gián đoạn các giao dịch và có nguy cơ ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Các thế lực này lợi dụng vụ việc để suy diễn rằng “cuộc chiến tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, khiến nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, làm giảm xuất khẩu” hay “việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực, nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh.”

Cùng phụ họa với RFA, VOA là các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam đã chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội, từ đó đi đến quy kết, xuyên tạc bản chất của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta nhằm hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động vào tâm tư, tình cảm của người dân, nhất là giới doanh nhân, cán bộ trong bộ máy nhà nước.

Bằng cách lan truyền những nhận định chủ quan mang tính quy chụp, các thế lực thù địch không chỉ có ý đồ làm suy giảm sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, mà sâu xa hơn, đó còn là âm mưu hòng khiến người dân mất lòng tin vào sự phát triển kinh tế của đất nước, từ đó làm mất động lực phấn đấu, xây dựng đất nước.

Thế nhưng, các thế lực thù địch không hiểu rằng nhận thức về tham nhũng trong xã hội Việt Nam hiện nay đã khác, và sự quyết liệt của hệ thống chính trị Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực “không vùng cấm,” “không có ngoại lệ” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và được sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy những nhân vật vướng vào vòng lao lý thời gian qua đều vì hành vi thao túng, gây rối loạn thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán - những lĩnh vực đã phát triển quá nóng thời gian qua.

Việc kịp thời ngăn chặn sự bùng nổ của những thị trường bong bóng, làm trong sạch thị trường giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư chân chính vào xu hướng phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế Việt Nam, bởi tình trạng bong bóng, đầu cơ vốn là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trong quá khứ, như khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997.

Ông Park Min-jun thuộc Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) khẳng định rằng việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường tính minh bạch là “cách Chính phủ Việt Nam làm để tăng niềm tin vì điều đó sẽ có lợi hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam về dài hạn. Việt Nam đã xử lý nhanh vấn đề này.”

Có thể khẳng định rằng sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những yếu tố giúp môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng minh bạch, hấp dẫn.

Theo Tiến sỹ Vijay Sakhuja thuộc Đại học Rashtriya Raksha (Ấn Độ), minh bạch là nền tảng cơ bản, là cơ sở để các nước làm ăn với Việt Nam và thành quả chống tham nhũng những năm qua ở Việt Nam là đáng tự hào, bởi cuộc chiến chống tham nhũng đã góp phần tạo dựng lòng tin không chỉ ở người dân trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần phải khẳng định rằng phòng, chống tham nhũng không hề khiến guồng máy kinh tế chậm lại, mà thực sự tạo đà cho phát triển và là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài và các hạng mục đầu tư của Việt Nam trong những năm qua liên tục ở mức cao và ổn định, là minh chứng cho thấy niềm tin của giới đầu tư ngày càng mạnh mẽ.

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới lao đao, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều nhất trên thế giới (báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, UNCTAD).

Theo đánh giá, khảo sát của nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được xem là một điểm sáng trên toàn cầu.

Trong báo cáo mới nhất của Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh), Việt Nam có mức thăng hạng nhiều nhất trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý 2/2023 khi tăng tới 12 bậc, nhiều nhất trong số các quốc gia có bước tiến lớn nhất trong bảng xếp hạng của EIU.

Theo bảng xếp hạng năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trình độ phát triển thị trường của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021, trong đó chỉ số Tự do kinh tế tăng 6 bậc từ 90 lên 84.

Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 ghi nhận Việt Nam tăng 3 điểm so với năm trước, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100, là một trong 6 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và 25 quốc gia trên thế giới được ghi nhận có những tiến bộ rõ rệt.

Rõ ràng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã giúp tăng tính minh bạch và dễ dự đoán của thị trường - một trong những yếu tố quan trọng trong đánh giá môi trường đầu tư của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới.

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), cho rằng việc Việt Nam thăng hạng trong các bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số nhận thức tham nhũng hay môi trường kinh doanh thời gian qua cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã có tác động và hiệu quả thực tế, giúp các nhà đầu tư quốc tế dễ dàng hơn trong hoạt động, giảm chi phí trong việc kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là những kết quả đáng ghi nhận, là chỉ số giúp đo lường hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay của Việt Nam. Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia, nhận định kết quả này cho thấy bước tiến trong cải cách thể chế, hoàn thiện bộ máy chống tham nhũng, hiện thực hóa chiến lược chống tham nhũng thông qua những kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt là quyết tâm và sự quyết liệt của Việt Nam trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bản chất cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam cũng như ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều giống nhau, đều tác động đến tất cả các lĩnh vực theo chiều hướng tích cực và mang lại tương lai tốt đẹp cho người dân cũng như đất nước.

Giáo sư Chu Hoàng Long thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai, hướng tới những mục tiêu lớn hơn, có ý nghĩa hơn, để các thế hệ sau có thể dành thời gian, nguồn lực vào những hoạt động đóng góp thiết thực hơn cho xã hội.

Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Sự đồng lòng, ủng hộ mạnh mẽ của người dân và sự ghi nhận, đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế sẽ càng tạo động lực vững vàng cho cuộc chiến này, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, ngày càng nâng cao vai trò, vị thế và uy tín trên trường quốc tế.

Vì thế, những luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc bản chất cũng như hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam sẽ chỉ thêm lạc lõng, vô giá trị./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét