In-tơ-nét và mạng xã hội đang mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trải nghiệm cuộc sống; giao lưu, gắn kết cộng đồng, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, kinh doanh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. In-tơ-nét và mạng xã hội như “người bạn đồng hành” của nhiều người. Việt Nam là một đất nước dân chủ, công dân có quyền được tự do ngôn luận và tự do báo chí. Nhà nước luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để công dân Việt Nam được phát huy dân chủ. Tuy nhiên, bên cạnh số đông người tham gia, sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức, trách nhiệm, vẫn xuất hiện những phát ngôn lệch chuẩn, đi ngược đạo lý và truyền thống dân tộc, thậm chí có ý kiến trái ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; không ít những cá nhân - phần vì kém hiểu biết, phần vì chưa nắm rõ nguồn tin đã vô tình chia sẻ những phát ngôn, bài viết với thông tin sai trái, chống đối Đảng và Nhà nước. Do vậy, đẩy mạnh công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng vừa là vấn đề có tính cấp thiết, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng.
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Weare Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam rất cao, đứng thứ 7 thế giới với khoảng 58 triệu người, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Trên nền tảng truyền thông mạng xã hội như Youtube, Twitter, Facebook, Zalo, Tiktok… thông tin được truyền tải nhanh chóng. Với thế mạnh là có tính lan toả rộng, nhanh và khó kiểm soát, mạng xã hội trở thành một trong những yếu tố tiềm năng nhất trong lan truyền quan điểm sai trái, thù địch. Việc sử dụng hình thức này của các thế lực thù địch nhằm gây khó khăn cho sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
Để tuyên truyền những quan điểm sai trái, các thế lực thù địch đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm hơn, có tác động đến các tầng lớp trong xã hội. Thủ đoạn tấn công, đả kích trực diện nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giả danh mác-xít, “giả khoa học” để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam. Lợi dụng, cường điệu hóa những hạn chế, khuyết điểm của Đảng và hệ thống chính trị trong lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội để quy kết cho rằng việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng chính là nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế, khiếm khuyết đó. Bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc lý lịch, thân thế sự nghiệp các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước để đi đến phủ nhận con người, phủ nhận hệ tư tưởng mác-xít và vai trò lãnh đạo của Đảng. Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để thông qua đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội “nhạy cảm”, việc bắt, xử lý số cán bộ cao cấp về tội tham nhũng; xét xử số đối tượng chống đối vi phạm pháp luật để lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, lật đổ; tuyên truyền kích động các hoạt động ly khai, tự trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Móc nối, lôi kéo các đối tượng cơ hội chính trị có cả cán bộ đương chức, có tướng lĩnh đã nghỉ hưu và thành phần chống đối trong trí thức, văn nghệ sĩ tăng cường chống Đảng, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ”.
Chúng ra sức đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, clip, thực hiện livestream (phát trực tiếp) nhằm kêu gọi tập hợp lực lượng những người thiếu hiểu biết, tạo dư luận về các vấn đề kinh tế, xã hội từ đó đẩy lên thành các vấn đề chính trị, gây nhiễu loạn thông tin; tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái. Các đối tượng thường núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”... để tuyên truyền, xuyên tạc cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, quan điểm, nhất là những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”. Lợi dụng một số cá nhân thoái hóa, biến chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thành lập các hội, fanpage... phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu độc, phản động, từ đó kích động hình thành các hoạt động như tuần hành, biểu tình, tụ tập kêu gọi chống đối gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và Nhân dân.
Một chiêu trò khác là thông qua các phần mềm gián điệp, phát tán các mã độc, đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin nội bộ, các thế lực thù địch bịa đặt thông tin, tạo kịch bản hoàn hảo, phát tán “thông tin giả”, tung hỏa mù nhằm bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử, nói xấu Đảng, Nhà nước và những cán bộ lãnh đạo, tạo tâm lý hoài nghi, bi quan, khủng hoảng niềm tin, phân vân trong xác định mục tiêu lý tưởng. Thông qua những buổi hội thảo trực tuyến bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa “lớp học làm giàu”, “những cách làm giàu nhanh chóng”,… của những tổ chức phi chính phủ, ca ngợi thành tựu của chủ nghĩa tư bản, xuyên tạc bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam làm cho một bộ phận người dân có nhận thức sai lệch. Từ đó mất niềm tin trong cuộc sống, trở nên vị kỷ, chạy theo lối sống thực dụng, buông thả mà quên đi những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đối tượng tác động của hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên…
Đảng ta đã xác định, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, ngày càng diễn ra quyết liệt. Trong các văn kiện đại hội Đảng ở thời kỳ đổi mới, Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ. Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”. Đại hội IX của Đảng khẳng định phải “Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”. Với tinh thần đó, Đại hội X của Đảng đã yêu cầu “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “DBHB,” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”.
Đến Đại hội XI, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Như vậy, có thể thấy, đấu tranh trên không gian mạng hiện nay là rất gay gắt trên mặt trận tư tưởng lý luận. Giữ vững trận địa tư tưởng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết.
Tuy nhiên, việc đấu tranh phản bác các thông tin giả, xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng ở một số cán bộ, giảng viên cơ sở chưa thật sự chủ động, chưa thường xuyên, còn lơ là, thiếu sót, thiếu tính tự giác dễ dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng, kích động nhưng chưa được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời; kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin chưa thành thạo, nhiều cán bộ, giảng viên chưa biết cách vào các trang mạng xã hội để bình luận (comment) phản bác những luận điệu xuyên tạc… nên chưa tạo được sự chú ý rộng rãi và sức lan tỏa đối với cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét