Hiện nay, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của Internet và các trang mạng xã hội, hầu hết máy chủ của các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram, Twitter, Wechat… đều đặt ở nước ngoài dẫn đến việc quản lý của các cơ quan nhà nước gặp không ít khó khăn. Thống kê cho thấy, Việt Nam có gần 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 70% dân số; trên 65 triệu người sử dụng mạng xã hội (tốp 20 Quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất thế giới). Nhận biết được điều này, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tán phát các tin bài, video, clip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước với sự gia tăng về cấp độ, tần suất và lưu lượng, nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đối với nước ta.
Các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị thường xuyên đăng tải, phát tán thông tin xuyên tạc liên quan đến những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, vụ việc mang tính thời sự, dư luận xã hội quan tâm, như: công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước (bị xuyên tạc là đấu đá nội bộ, phe cánh, bè nhóm trong Đảng, hạ bệ lẫn nhau), các vụ việc “nóng” về khiếu kiện, môi trường, dân sinh, giải phóng mặt bằng, quan hệ ứng xử của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, việc thực thi công vụ của lực lượng chức năng. Chúng thường đăng tải, tán phát các bài viết, hình ảnh, video, clip có nội dung mang tính bình luận, núp bóng “phản biện xã hội”, để gợi mở, đặt vấn đề nghi vấn, lợi dụng “khoảng trống thông tin”, đưa ra các thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật hoặc đã bị bóp méo, cắt ghép, đánh vào sự tò mò, tạo ra sự hoài nghi đối với người tiếp cận. Vì thế, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân là cần tỉnh táo, cảnh giác, đồng thời, nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong việc chuyển tải thông tin trên trang mạng xã hội.
Trong thời gian qua, đại đa số cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đã có những nhận thức đúng đắn, đề phòng, cảnh giác trước những thông tin xấu độc. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa về phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lợi dụng Internet, mạng xã hội chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, từ đó, làm cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân thấy rõ tác động tích cực, tiêu cực của Internet và mạng xã hội; vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, phần tử phản động; nâng cao khả năng nhận diện thông tin xấu, độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội, xây dựng phong cách văn hóa khi tham gia trên không gian mạng, chỉ cập nhật thông tin chính thống, không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, tập trung đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời, chủ động và thường xuyên tham gia bình luận, chia sẻ bài viết về điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân trong tham gia thực hiện phong trào thi đua yêu nước.
Phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do vậy, cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm đấu tranh đẩy lùi, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá, qua đó, góp phần bảo vệ thành quả và công cuộc cách mạng của nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét