Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

NHẬN DIỆN BỆNH CÔNG THẦN VÀ THUỐC ĐẶC TRỊ; ĐẤU TRANH VÀ XỬ LÝ, KHÔNG ĐỂ TẠO RA TIỀN LỆ XẤU




Trong các căn bệnh mà cán bộ, đặc biệt là những cán bộ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo hay mắc phải thời gian vừa qua, bệnh “công thần” dù ít được nhắc đến nhưng nó lại đang hiện hữu không ít trong thực tế. Có những người lãnh đạo tự cho mình là quan trọng, tự cho mình là người đã đóng góp lớn cho Đảng, Nhà nước và sau đó đưa ra các yêu sách, đòi hỏi về những đặc quyền, đặc lợi cho bản thân, gia đình.
Bàn về “thói hư tật xấu” của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ trực tiếp căn bệnh công thần: “Còn bệnh công thần thì tỏ như thế này: Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng… Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ. Những đồng chí mắc bệnh ấy không hiểu rằng: mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng".
Căn “bệnh công thần” vô cùng nguy hiểm. Ở một góc độ nhất định, những người mắc bệnh công thần cũng nguy hiểm không kém những người tham nhũng. Tất cả đều làm suy yếu nội bộ, khiến cho bản chất cách mạng của người cán bộ bị biến chuyển.
Những hành vi vi phạm cả về pháp lý và đạo lý như vậy cần phải được đấu tranh, phê phán, lên án, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Tổ chức đảng, đoàn thể nơi quản lý những cán bộ đó phải tăng cường giáo dục, rèn luyện họ chấp hành đúng kỷ luật và các quy định của Đảng, đề cao lương tâm, trách nhiệm, danh dự của người đảng viên chân chính.
Đối với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước, phải có thái độ và biện pháp xử lý nghiêm minh, công bằng, không để nương nhẹ, hóa mù ra mưa với những trường hợp công thần, kiêu ngạo cộng sản dẫn đến những lời nói, việc làm sai phạm. Chúng ta từng có bài học kinh nghiệm sâu sắc về một số trường hợp tướng lĩnh quân đội, công an từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân nhưng vi phạm kỷ luật, pháp luật vẫn bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.
Bác Hồ từng căn dặn: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, là lãnh tụ”. Nhưng nhân dân và tổ chức cũng luôn rộng mở với những người biết khắc phục sửa sai. Thực tế đã có cán bộ tướng lĩnh có biểu hiện kiêu ngạo, được Bác Hồ nhắc nhở, rèn luyện sau trở thành vị tướng tài năng, đức độ, đảm nhiệm các chức vụ cao cấp của quân đội, sau đó ông tiếp tục sống cuộc sống khiêm nhường, cống hiến theo đạo đức cách mạng cho đến lúc nghỉ hưu, qua đời.
Theo Người, để phòng trị bệnh kiêu ngạo, công thần, mỗi cán bộ, đảng viên phải: Rèn luyện đức khiêm tốn; thật thà tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác; kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm...
Với cán bộ cao cấp, càng đòi hỏi khi đương chức cũng như nghỉ hưu phải có sự tỉnh táo, cẩn trọng khi nói và làm, nhất là phát ngôn trên truyền thông và mạng xã hội, đặt lợi ích của đất nước, của cộng đồng lên trên; giữ gìn bản lĩnh, danh dự và uy tín người quân nhân cách mạng.
Sinh thời, Bác Hồ từng gửi cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn 12 chữ: “Đảm dục đại” (Gan phải to); “Tâm dục tế” (tấm lòng, tâm hồn phải trong sáng); “Trí dục viên” (Suy nghĩ trọn vẹn, toàn diện, chu đáo); “Hạnh dục phương” (Hành động đúng đắn, ngay thẳng, phân minh, đàng hoàng).
Sau này, nói chuyện với các tướng lĩnh, Bác nói đến 6 đức tính cần phải có, gồm: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung nhưng phẩm chất đầu tiên phải có là Trí. Người chỉ rõ Trí là phải có đầu óc sáng suốt, nhìn mọi việc để suy xét, rồi quyết định cho đúng. Suy nghĩ thấu suốt, nhìn xa trông rộng, phát ngôn rạch ròi, có thể định hướng dư luận, thế mới xứng tầm của những người từng ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy.
Để tán phát những thông tin xấu, tiếp tay cho những căn bệnh kiêu ngạo, công thần, những điều sai trái có “cánh tay vô hình” của kênh truyền thông mạng xã hội và thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng xấu, cơ hội chính trị thường lợi dụng những cán bộ nghỉ hưu, có tinh thần đấu tranh cao nhưng trong nhiều trường hợp lại thiếu thông tin; không sử dụng hoặc ít cập nhật mạng xã hội, internet...
Vì thế, cũng cần có biện pháp thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, ngăn ngừa các đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng.
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý hiệu quả mạng xã hội, để các nhà cung cấp của Google, Facebook, YouTube... chấp hành nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam; buộc họ chủ động và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh lăng mạ, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội...
Văn Kiên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét