Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Chống tham nhũng liệu có cần đa nguyên, đa đảng?



Gần đây tôi có đọc trên mạng thấy một số ý kiến phê phán Hội nghị Trung ương 11, nhất là về ý kiến phát biểu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Khi bàn về chống tham nhũng, tác giả thể hiện sự hoài nghi vào kết quả khi cho rằng “tham nhũng trong Đảng đã trở thành căn bệnh nan y, đã di căn như hiện nay”. Thế rồi, tác giả đưa ra ý kiến: “Phải thay đổi thể chế chính trị, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập mới chống được. Dùng ý chí thôi, có cả nghìn ông Trọng cũng không làm gì được”. Một người đọc, dù ở trình độ bình thường cũng biết tác giả định nói gì. Cách lập luận này vẫn không có gì mới. Phải chăng tác giả ngụ ý nói chế độ độc đảng lãnh đạo ở ta là căn nguyên tạo ra tham nhũng?
Trước khi trao đổi vấn đề này, chúng ta phải nhìn nhận bản chất tham nhũng là gì? Người sáng lập ra chủ nghĩa Mác cũng như nhiều nhà triết học phương Tây đã cho rằng, động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động là lợi ích. Mà con người thường có xu thế tối ưu hóa lợi ích của cá nhân mình, từ đó có thể làm xâm hại lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, lợi ích của quốc gia. Chính vì vậy phải có giải pháp để điều chỉnh lợi ích của cá nhân. Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: Bản chất của tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, là tham lam, là trộm cướp. Như vậy, hành vi tham ô, tham nhũng liên quan đến sự suy thoái đạo đức của con người chứ không liên quan đến thể chế chính trị. Bởi vì, dù thể chế chính trị gì, nhưng nếu con người không được rèn luyện, trau dồi, không tự cảnh giác như “đi trên băng mỏng”, như “đứng dưới vực sâu”, không vượt qua được sự trói buộc của công danh, lợi lộc, không bị “hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người” thì sẽ bị vật chất dụ dỗ và đánh bại. Đồng thời, nếu không có một hệ thống pháp luật tốt để ngăn chặn, răn đe, thậm chí công tác quản lý bị buông lỏng thì sẽ tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng hoành hành.
Nếu chúng ta nhìn rộng ra trên thế giới, không một quốc gia nào, thuộc chế độ chính trị nào có thể tự hào là miễn nhiễm vấn nạn tham nhũng. Nước Mỹ vẫn tự hào là nước dân chủ, là thiên đường của thế giới nhưng cũng luôn đau đầu bởi vấn nạn tham nhũng. Tại châu Âu, nơi đại đa số các quốc gia theo chế độ đa đảng, theo báo cáo của Đảng Xanh châu Âu công bố cuối năm 2018 cho biết các quốc gia thành viên châu Âu mất 900 tỷ Euro (khoảng 1.000 tỷ USD) mỗi năm vì tham nhũng. Nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi thể chế chính trị đa dảng cũng phải đương đầu với cuộc chiến chống tham nhũng. Ví dụ Tòa án Malaysia đang xét xử vụ án tham nhũng hàng tỷ USD của vị cựu Tổng thống. Còn Singapore đã đề ra 4 biện pháp chống tham nhũng do Đảng hành động nhân dân khởi xướng thực hiện khá thành công bao gồm:
1. Làm cho quan chức không thể tham ô.
2. Làm cho quan chức không dám tham ô quy định chặt chẽ đến mức tham ô không xong, muốn lấy cũng không lấy được.
3. Không cần tham ô, làm cho quan chức không cần tham ô mà vẫn sống thanh thản.
4. Không muốn tham ô, tức là làm cho quan chức có tư tưởng cảnh giác cao, không màng gì đến tham ô.
Như thế dù thể chế chính trị đa dảng hay độc đảng thì đều coi đây là vấn nạn của mọi quốc gia. Từ khi có nhà nước thì đã có tham ô, cho nên nhà nước nào cũng phải đối phó với nạn tham ô, tham nhũng.
Việt Nam chúng ta đang tích cực triển khai cuộc đấu tranh này và từng bước có hiệu quả. Cùng với việc tích cực giáo dục công dân thì hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều rất cần thiết. Điều đó có nghĩa không đúng với tinh thần tác giả đã viết trên mạng; không cần phải đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập để có thể chống tham nhũng có hiệu quả. Nếu tạo được sự đồng lòng từ trên xuống dưới thì tin rằng cuộc chiến này sẽ ngày càng có kết quả như kỳ vọng mong muốn của nhân dân!

 Phan Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét