Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Những vấn đề có tính quy luật trong đấu tranh với “diễn biến hòa bình” ở nước ta hiện nay





 

Những quan điểm phê phán, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta nằm trong chiến lược tổng thể của “diễn biến hòa bình” diễn ra có lúc công khai, lúc ngấm ngầm, có lúc rộ lên, có lúc âm ỉ kéo dài, nhưng tựu trung lại thường diễn ra vào những thời điểm “nhạy cảm chính trị” như trước các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Đại hội Đảng, các ngày Lễ lớn hoặc các thời điểm Đảng, Nhà nước ta đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân về các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta đang trong năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (dự kiến diễn ra tháng 01/2021 mà tháng 9 năm 2019 vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị đối với cán bộ lão thành) và, hiện nay chúng ta đang thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và thực hiện chủ đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực hiện rộng rãi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường công tác xây dựng Đảng, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong nội bộ cán bộ đảng viên và phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ, nhằm huy động ý kiến đóng góp của đảng viên trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là thời điểm “nhạy cảm chính trị”, là “mảnh đất màu mỡ” mà các thế lực thù địch thường tập trung công phá, do vậy, để đề cao tinh thần cảnh giác, chúng ta cần nắm được những vấn đề có tính quy luật trong quá trình đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đấu tranh để bảo vệ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội  ở Việt Nam được hiểu là việc vạch trần bản chất, âm mưu và thủ đoạn của các lực lượng thù địch cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, hòng phủ nhận chủ nghĩa xã hội và các biện pháp, cách thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó cũng là sự nghiệp bảo vệ và làm rõ bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng và qua việc phê phán các quan điểm sai trái, thù địch để tạo nên sự đồng thuận xã hội, sự thống nhất về ý chí, tư tưởng và đội ngũ trong toàn Đảng, toàn dân tộc vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam. 
Những vấn đề có tính quy luật trong quá trình đấu tranh khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta với các quan điểm sai trái, thù địch bao gồm:
Một là, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận giữa CNXH nhằm khẳng định con đường đi lên CNXH, với các khuynh hướng, trào lưu phi XHCN muốn phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta thực chất là phản ánh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế - chính trị.
Hai là, cuộc đấu tranh nhằm khẳng định con đường đi lên CNXH ở nước ta với các quan điểm phủ nhận con đường đó, là cuộc đấu tranh giữa hai mặt đối lập, đối kháng nhau. Đây là một hình thức khác của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản (CNTB) và các khuynh hướng cơ hội cải lương với CNXH, nó gắn liền với cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân, cuộc đấu tranh này đã xuất hiện trong lòng xã hội tư bản và diễn ra ngay trong thời kỳ quá độ và trong xã hội XHCN, cuộc đấu tranh này chỉ kết thúc khi xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới.
Ba là, cuộc đấu tranh nhằm khẳng định con đường đi lên CNXH ở nước ta với các quan điểm phủ nhận con đường đó, là cuộc đấu tranh vừa mang tính dân tộc vừa mang bản chất quốc tế. Bởi vì, cuộc đấu tranh đó diễn ra trong mỗi dân tộc đồng thời diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đấu tranh giữa con đường đi lên CNXH với các quan điểm phủ nhận con đường đó là cuộc đấu tranh giai cấp trên bình diện lý luận - tư tưởng, mà đấu tranh giai cấp trong một dân tộc là một bộ phận của quốc tế, đấu tranh giai cấp chi phối tính dân tộc.
Như vậy, việc phê phán những quan điểm phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta là khẩn thiết, nên, cần quán triệt những vấn đề mang tính quy luật mà các quan điểm sai trái, thù địch hay vận dụng chống chúng ta, nhằm đề cao tinh thần cảnh giác chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, qua đó khẳng định sự nghiệp đổi mới theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn như Đảng ta đã khẳng định: Nhìn tổng thể, qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 Minh Triều 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét