Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

VẤN ĐỀ MAI MỘT KIẾN THỨC LỊCH SỬ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY



Lịch sử đất nước ta là quá trình chiến đấu không ngừng nghỉ của dân tộc ta, là sự đoàn kết, tình yêu nước nồng nàn qua từng thời đại để giành lại tự do, độc lập thống nhất. Việc giữ gìn, phát huy truyền thống đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cùng với sự mở cửa giao thương của các quốc gia trên thế giới đã làm sự giao lưu văn hóa được phát triển mạnh mẽ. Khi đó văn học, lịch sử, nghệ thuật,... của nhiều quốc gia trên thế giới được du nhập vào nước ta rất mạnh mẽ những điều đó cũng đã gây nhiều ảnh hưởng đến người dân mà trong đó phần nhiều là thanh thiếu niên.
Trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp phải khiến chúng ta phải suy ngẫm lại nhiều điều. Như việc phỏng vấn, khi hỏi các câu hỏi về các nhân vật lịch sử của nước ta với các học sinh cấp 2, cấp 3 và thậm chí cả sinh viên đại học thì các câu trả lời đa số đều làm người ta phải lắc đầu vì hầu hết chúng đều sai hoặc nhầm lẫn. Trong khi đó, khi được hỏi về lịch sử của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản,... thì các bạn lại có thể trả lời đúng. Điều này lại làm ta phải đặt dấu hỏi về vấn đề giáo dục và một phần trong đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay đối với lịch sử nước nhà.
Hiện nay trong chương trình giáo dục của nước ta, từ cấp tiểu học cho đến phổ thông thì môn học lịch sử vẫn luôn bị coi là một môn học khô khan, chưa thu hút được học sinh. Một phần vì lượng kiến thức của môn học này rất nhiều cùng với việc trình bày, bố cục, thể hiện nội dung lên sách giáo khoa còn đơn giản, nhàm chán không thu hút được người học. Một phần khác là của cách dạy của đội ngũ giáo viên dạy môn học lịch sử, phần lớn là đọc từ sách giáo khoa, học thuộc rồi kiểm tra,... nên thường sau khi học sinh thi xong thì lượng kiến thức đó không thể giữ được lâu mà chỉ có thể ghi nhớ trong một thời gian ngắn. Nên việc học sinh, sinh viên bị hổng kiến thức về lịch sử đất nước là điều không thể trách khỏi. Trong khi đó khi trên thị trường có rất nhiều những tác phẩm lịch sử của các tác giả nước ngoài được viết với sự hấp dẫn, lôi cuốn rất lớn đối với người đọc nên những kiến thức lịch sử nước ngoài có thể được ghi nhớ rất lâu.
Lịch sử của một quốc gia chính là nhân chứng cho quá trình đấu tranh, phát triển,... của dân tộc trong quốc gia đó. Chính vì vậy nên việc khắc ghi và phát huy những giá trị đó luôn là một trọng trách thiêng liêng đối với mỗi người dân của quốc gia đó, trong đó nước ta cũng không ngoại lệ. Để có thể khắc phục được hiện trạng này thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Từ những việc như các bậc cha mẹ, ông bà truyền đạt cho con cháu những kiến thức lịch sử thông qua những câu ca dao, những bài thơ,... đến việc thay đổi phong cách dạy học môn lịch sử của giáo viên với việc lồng ghép những câu truyện, những giai thoại nổi bật xoay quanh một sự kiện lịch sử nào đó giúp tạo hứng thú cho học sinh. Với những biện phát tuy đơn giản nhưng có thể giúp thực trạng này giảm thiểu một cách hiệu quả, qua đó tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ngày càng phát triển.
Dình Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét