Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

ĐẠI ĐOÀN KẾT - CỘI NGUỒN SỨC MẠNH!



Từ góc nhìn văn hóa thì cây tre là biểu tượng cho tâm hồn, tính cách Việt. Tre không bao giờ đơn lẻ mà luôn mọc, sinh sống, lớn lên thành bụi, thành cụm. Phương ngữ Việt có câu “măng ấm bụi” để chỉ hiện tượng bụi tre càng nhiều cây lớn che chở nhau thì càng có nhiều măng mọc. Con người cũng vậy, bao bọc, nâng đỡ, dìu dắt nhau. Thế nên Thánh Gióng nhổ tre đuổi giặc không chỉ là sự chứng minh tinh thần quật khởi không chịu làm nô lệ của người dân Việt mà còn biểu hiện ý chí đoàn kết, tiếp nối thế hệ này với thế hệ khác. Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre, tức là lại có tiếp hàng triệu, hàng triệu cây gậy khác nhận sứ mệnh giữ gìn nước non. Quả vậy, tiếp sau Gióng là bao thế hệ dùng gậy tre, gậy tầm vông… cùng nhau bảo vệ độc lập, tự do. Trong từ vựng tiếng Việt, chữ “đồng” (cùng) làm thành hệ thống từ ghép đồng nghĩa phong phú bậc nhất (so với từ vựng các nước khác): Đồng bào, đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng tình, đồng lòng, đồng hương, đồng cảm, đồng điệu, đồng hành, đồng đội, đồng hao, đồng môn, đồng nghiệp, đồng khởi, đồng diễn, đồng ca…Có biết bao nhiêu thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về sự đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau: “Chị ngã em nâng”, “Tay đứt ruột xót”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…Trong ngày lễ 2-9-1945, Bác Hồ dùng chữ “đồng bào” thật tinh tế, hướng cả dân tộc về nguồn cội tổ tiên đồng lòng nhất trí dựng xây và bảo vệ nước Việt Nam độc lập. Trước đó, năm 1942, Người viết "Lịch sử nước ta" kêu gọi dân ta đoàn kết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng:/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Trong tác phẩm này, Người chứng minh và khẳng định chân lý lịch sử: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Đó cũng là chân lý thời đại.
Đức Mạnh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét