Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Cần phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản.



Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng được V.I Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vai trò của cán bộ, đảng viên vô cùng quan trọng. Họ là những người có đóng góp hết sức to lớn, đưa đất nước vượt qua các thời kỳ khó khăn, thử thách. Công sức của họ bỏ ra rất đáng trân trọng, đáng được ghi nhận. Nhưng mà thật đáng tiếc hiện nay, một số cán bộ, đảng viên lại có tư tưởng “công thần”, kiêu ngạo, dẫn đến những việc làm lẽ ra là không lên làm để gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, lúc nghỉ hưu thì không giữ được mình, có cách hành xử không đúng, thậm chí sai phạm ảnh hưởng đến thanh danh của họ, như đòi đặc quyền đặc lợi, coi thường kỷ cương, quy định... Đáng buồn hơn, gần đây có vị cán bộ cấp tướng từng kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công được phong tặng anh hùng, nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không thận trọng, không đúng sự thật, không đúng đường lối quan điểm của Đảng. Tự cho mình quyền được phán xét, vị nguyên cán bộ cao cấp này hết miệt thị các tướng lĩnh quân đội đương chức, chê họ không bằng mình, lại xúc phạm cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất của quân đội bằng những lời lẽ không có cơ sở.

Họ còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng... Ngay trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn hóa văn nghệ, nhiều năm qua, chúng ta không khỏi đau xót khi thấy có những nhà văn, nhà báo, nhà quản lý từng dạn dày kinh nghiệm, có tên tuổi nhưng khi nghỉ hưu đã đánh mất chính mình, đăng đàn nói, viết những điều sai trái, đi ngược với lý tưởng cả một đời theo đuổi. Có người còn tham gia thường xuyên viết bài, cộng tác cả cho những trang mạng phản động, có người bị kích động và bị lợi dụng để rồi xuất hiện trong những clip với nhiều nội dung sai sự thật, có cả thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận. Có người để lại lời nói, việc làm thiếu trách nhiệm, tùy tiện đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội...

Bác Hồ từng căn dặn: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, là lãnh tụ”. Nhưng nhân dân và tổ chức cũng luôn rộng mở với những người biết khắc phục sửa sai. Thực tế đã có cán bộ tướng lĩnh có biểu hiện kiêu ngạo, được Bác Hồ nhắc nhở, rèn luyện sau trở thành vị tướng tài năng, đức độ, đảm nhiệm các chức vụ cao cấp của quân đội, sau đó ông tiếp tục sống cuộc sống khiêm nhường, cống hiến theo đạo đức cách mạng cho đến lúc nghỉ hưu, qua đời. Theo Người, để phòng trị bệnh kiêu ngạo, công thần, mỗi cán bộ, đảng viên phải: Rèn luyện đức khiêm tốn; thật thà tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác; kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến công, hy sinh của cha ông, thế hệ trẻ hôm nay luôn trân trọng và biết ơn. Những năm chiến tranh, từ phong trào thi đua, các đơn vị quân đội, các tập thể và toàn quân, toàn dân đã người người thi đua, xây dựng nên hình ảnh những người anh hùng. Vậy thì thời bình, khi họ mắc sai lầm, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, của toàn xã hội để phê bình, đấu tranh, giúp họ nhận thức, sửa sai, tiến bộ. Còn với những người không còn xứng đáng nữa thì cũng cần có kết luận rõ ràng, không để tốt xấu lẫn lộn, không để những tấm gương mờ làm giảm niềm tin của thế hệ đi sau. Chúng ta mong cho đất nước vĩnh viễn hòa bình, để xây dựng một quân đội hùng mạnh trong hòa bình, mà quân đội đó từ người cán bộ cao nhất trở xuống không ai phải kinh qua chiến tranh. Đó mới là hạnh phúc lớn nhất của quân đội và cũng là của nhân dân. Những biểu hiện công thần, đặt mình cao hơn để phán xét thiếu căn cứ, coi thường, xúc phạm đồng chí, đồng đội cần phải bị vạch rõ, bị lên án. Những việc làm này nếu không bị ngăn chặn sẽ gây hậu quả khôn lường bởi nó xuyên tạc, hạ thấp chủ trương, đường lối, thành tích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân ta; gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Với căn bệnh công thần và biểu hiện của nó, cần phải có thái độ rõ ràng: Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý.


Công Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét