Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

MẠNG XÃ HỘI VÀ YÊU CẦU QUẢN LÝ QUÂN NHÂN THAM GIA MẠNG XÃ HỘI




Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xác định: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
Quân nhân trong Quân đội ta hiện nay đã và đang tiếp cận, sử dụng các trang mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau: Tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, trao đổi thông tin hữu ích, chia sẻ, kết nối bạn bè, giải trí…Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của các trang mạng xã hội mang lại thì không tránh khỏi những tác động tiêu cực, đặc biệt là những tác động trực tiếp ảnh hưởng đến bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng; ngoài ra còn làm ảnh hưởng tới việc chấp hành pháp luật, kỷ luật và các chế độ nền nếp công tác, có thể dẫn đến biểu hiện tiêu cực nếu không có sự giáo dục, quản lý chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các cấp.
Giáo dục, quản lý quân nhân tham gia mạng xã hội là tổng thể các hoạt động có tổ chức, có mục đích của các chủ thể nhằm trang bị các kỹ năng kỹ năng, kiến thức và bản lĩnh cho quân nhân khi tham gia mạng xã hội, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế, xóa bỏ những yếu tố cản trở quá trình trưởng thành, phát triển và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của quân nhân do mạng xã hội gây ra, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Do đó, để giáo dục, quản lý quân nhân tham gia mạng xã hội hiện nay có hiệu quả, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy và các tổ chức trong đơn vị đối với việc giáo dục, quản lý quân nhân tham gia mạng xã hội; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, quản lý quân nhân tham gia mạng xã hội; phát huy tính tích cực, chủ động của quân nhân trong tự giáo dục, tự quản lý khi tham gia mạng xã hội; hoàn thiện các cơ chế quản lý đối với việc sử dụng mạng xã hội của quân nhân trong quân đội ta; coi trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ ở đơn vị.
Thời gian tới, mạng xã hội sẽ còn tiếp tục có những ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa đối với đời sống con người. Bên cạnh những tác động tích cực, các trang mạng xã hội sẽ tiếp tục gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với quá trình phấn đấu, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ của quân nhân. Vì vậy, để nâng cao nhận thức trách nhiệm cho quân nhân tham gia mạng xã hội, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp phải thường xuyên coi trọng việc giáo dục, quản lý quân nhân./.
 Đức Thành


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét