Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

CHỐNG NẠN CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN LÀ CHẶN TỪ GỐC “SỰ THA HÓA QUYỀN LỰC”



Chạy chức, chạy quyền là hành vi đáng lên án, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, là căn nguyên của việc xuống cấp đạo đức xã hội. Việc chạy chức, chạy quyền không chỉ làm tha hóa đội ngũ cán bộ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng thậm chí là đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Chính vì vậy, tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ không chỉ phòng ngừa tiêu cực lạm quyền trong công tác cán bộ mà còn bảo đảm cho sự lãnh đạo, quản lý, vận hành có hiệu lực và hiệu quả. Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
ĐIỀU 10 CỦA QUY ĐỊNH 205 QUY ĐỊNH CÁC HÀNH VI CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN.
“Bao gồm việc tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi”.
“Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch ubnd và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị” - Quy định 205 ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Sự ra đời hết sức cần thiết, kịp thời, với những nội dung cụ thể, rõ ràng, chi tiết, Quy định số 205 thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của CTCB tồn tại nhiều nhiệm kỳ qua. Với việc triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong thực tiễn, Quy định số 205 được kỳ vọng là công cụ sắc bén, là cái “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực, nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong CTCB, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”.
Thực tiễn cho thấy, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong CTCB, chống chạy chức, chạy quyền là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay. Bởi, thời gian qua, chúng ta chưa hoàn thiện cơ chế hữu hiệu để giám sát, kiểm soát quyền lực trong CTCB; chưa có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong CTCB; thiếu chặt chẽ, hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm khiến không ít người đứng đầu cấp ủy lợi dụng quyền lực để thao túng, lạm quyền, làm cho CTCB trở nên méo mó, chạy chức, chạy quyền cũng từ đó mà nảy sinh. Đáng ngại hơn, chỉ một bước ngắn, từ việc chạy chức, chạy quyền dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng...
Rõ ràng, việc Đảng ta dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong CTCB và chống chạy chức, chạy quyền giai đoạn hiện nay là tất yếu. Xuất phát điểm cơ bản và chủ yếu nhất của vấn đề chính là tác hại, sự nguy hiểm khôn lường của việc “thả nổi quyền lực”, không kiểm soát được quyền lực và sự “tha hóa quyền lực” trong CTCB, sự “lạm phát” của vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ là tác nhân chính làm tha hóa cán bộ, từ đó làm tha hóa, thoái hóa, biến chất cả bộ máy. Nếu chúng ta làm tốt việc kiểm soát quyền lực trong CTCB đồng nghĩa với ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng chạy chức, chạy quyền. Điều này đặt ra yêu cầu phải có những phương hướng, giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, cụ thể, thiết thực và khả thi. Quy định số 205 được coi là thông điệp, quyết tâm chính trị về kiểm soát quyền lực trong CTCB và chống chạy chức, chạy quyền của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay.
Ðể quy định trên cùng với các văn bản khác về CTCB sớm được hiện thực hóa trong cuộc sống, nhất là quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, các cơ quan, cá nhân làm CTCB cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, nêu cao trách nhiệm trong từng việc, từng bước, từng khâu của CTCB. Cùng với đó, có nhận thức sâu sắc, nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt với các biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Các tổ chức đảng cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền. Việc phân công, phân cấp cần gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm sai phạm. Phải đặt CTCB trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Điều hết sức quan trọng là có cơ chế, tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ và CTCB một cách hiệu quả, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Để chống lại tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân”.
 Văn Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét