Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Cảnh giác với “Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản”



 


Những ngày vừa qua, bài báo “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản” và những ý kiến phản hồi của các tướng lĩnh, cán bộ, đảng viên tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của dư luận xã hội; được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Cùng với tiếp tục phê phán, chỉ ra hậu quả, nguyên nhân của những sai phạm, dư luận chung cho rằng để đẩy lùi căn bệnh trên, cần phải xử lý cả bằng kỷ luật và pháp luật, sự vào cuộc và sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng.

Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng được V.I Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu. Thế nhưng, vẫn có những người xao nhãng, để những căn bệnh ấy không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội...

Họ đã và đang tự đánh mất chính mình
Chúng ta hẳn có nhớ một sự việc gần đây, từng có cựu Ủy viên Trung ương Đảng tuổi đời còn trẻ, tương lai đang rộng mở thì “dính chàm”, bị cách hết mọi chức vụ. Nguyên nhân do nhiều sai phạm, trong đó một phần do thói độc đoán, chuyên quyền, kiêu ngạo, không biết lắng nghe, không tôn trọng cả cấp trên và cấp dưới.
Lại có cán bộ cấp cao lúc nghỉ hưu vẫn không giữ được mình, có nhiều sai phạm ảnh hưởng đến thanh danh họ, như cựu quan chức mạt sát cảnh sát giao thông; cựu bộ trưởng đòi đặc quyền đặc lợi... Đáng buồn hơn, có cả cán bộ kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối quan điểm của Đảng; tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Trước góp ý chân thành của đồng chí đồng đội, những người này lại không tiếp thu, sửa chữa, cho rằng cách nghĩ, cách làm của họ mới là cấp tiến, là “trở về với nhân dân”.
Chúng ta hãy nhớ lại từ những ngày đào tạo, bồi dưỡng các hạt giống cán bộ đầu tiên, Bác Hồ đã sớm nhận ra những biểu hiện, tính nguy hại của bệnh “kiêu ngạo cộng sản”. Nhận diện và đấu tranh phòng, chống bệnh “kiêu ngạo cộng sản” cũng là vấn đề rất cần thiết hiện nay.
 Kiêu ngạo - xa nhân tâm quần chúng, tạo cho mình kẻ thù
Ngay từ rất sớm, trong những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925 đến năm 1927 được tập hợp lại và xuất bản thành sách Đường Kách mệnh năm 1927, khi bàn về “Tư cách của người cách mạng” đã chỉ rõ: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo”. Như vậy, theo Người, tư cách của người cách mạng chân chính không có chỗ ngự trị cho bệnh “kiêu ngạo cộng sản”.
Nguyễn Ái Quốc đã nhận diện rõ những biểu hiện của bệnh kiêu ngạo của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và tính nguy hại khôn lường của nó. Trong tác phẩm Người cách mạng mẫu mực, Người viết: “Không kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình”. Người giải thích rõ hơn: “Kiêu ngạo-Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”.
Quan điểm này là sự cụ thể hóa và phát triển quan điểm của V.I.Lênin về “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”. Trong bài viết Chính sách kinh tế mới và Những nhiệm vụ của các ban giáo dục chính trị để báo cáo tại Đại hội II toàn Nga các ban giáo dục chính trị ngày 17-10-1921, V.I.Lênin đã vạch ra ba thứ kẻ thù chính-kẻ thù “nội xâm” mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt chúng. Một trong ba thứ kẻ thù ấy, kẻ thù mà V.I.Lênin nói đến đầu tiên, chính là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”, tức “tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình”. V.I.Lênin cảnh báo, rằng “Không có gì nguy hại và tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản bằng thói lên mặt ta đây là cộng sản”; rằng “nếu một người cộng sản cứ tưởng rằng ta biết tất cả rồi… thì chính cái tâm trạng ngự trị trong chúng ta đó làm cho chúng ta thất bại”.
     Trong tác phẩm Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn, Hồ Chí Minh một lần nữa cắt nghĩa bệnh kiêu ngạo và chỉ ra hậu quả khôn lường của nó: “Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng... Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: Thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa”.
      Đó là những CB, ĐV mà “số người ấy không hiểu sức mạnh của Đảng chính là ở sự tập trung thống nhất, ở kỷ luật sắt của Đảng. Họ ít gắn bó với tổ chức, không tin ở lực lượng và trí tuệ của tập thể. Họ sống và làm việc một cách riêng rẽ, không đoàn kết và hợp tác với người khác. Hễ có đôi chút hiểu biết, đôi chút thành công thì tự cao tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người. Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục. Họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những "ông quan liêu", chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và nhân dân”.
Tôi đồng tình với quan điểm Báo QĐND nêu về bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản. Trong điều kiện đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh, các thế lực thù địch còn điên cuồng chống phá, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc còn nhiều thách thức thì đây là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có những tướng lĩnh về hưu phải chung sức, chung lòng, chia sẻ với quân đội. Những tướng lĩnh đã về hưu phải là điểm tựa cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội vượt qua khó khăn, thách thức. Đó mới là đạo của người làm tướng.
 Khắc Tuấn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét