Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.



Để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, thì Đảng cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, ngăn chặn hiệu quả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu hiện nay.
Trong công tác xây dựng Đảng, yêu cầu về nâng cao phẩm chất chính trị, chống suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những vấn đề căn cốt nhất. Để làm được điều đó, đòi hỏi Đảng phải giữ vững nền tảng tư tưởng, thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên trong từng giai đoạn cách mạng. Bởi, chỉ có nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin và đường lối cách mạng của Đảng, mới bảo đảm cho cán bộ, đảng viên xác định đúng mục tiêu, lý tưởng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Có thấm nhuần đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên mới giữ gìn được lối sống trong sạch, kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng và mọi tệ nạn xã hội. Chính phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên là sức “đề kháng” mạnh mẽ chống lại mọi suy thoái, biến chất; nhân tố quan trọng tạo nên uy tín của Đảng, làm cho dân tin yêu, nguyện một lòng theo Đảng và quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng.
Thực tiễn cách mạng cho thấy, nhờ Đảng ta coi trọng xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, mà tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên trung thành và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Khi Đảng mới ra đời, mặc dù bị kẻ thù đàn áp gắt gao, tù đày, khổ cực, nhưng chính niềm tin vào lý tưởng và bằng phẩm chất cao đẹp, trong sáng, các chiến sĩ cách mạng tiền bối đã chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, không “phản bội, xưng khai”, dũng cảm đấu tranh với kẻ thù, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thắng lợi. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, dù phải đương đầu với các thế lực xâm lược hùng mạnh, trải qua những biến động chính trị - xã hội to lớn, nhưng cán bộ, đảng viên vẫn tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi cuối cùng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng thống nhất thành một khối, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Ban Chấp hành Trung ương, lãnh đạo toàn dân tiến hành cách mạng, giành những thắng lợi to lớn: đất nước độc lập, thống nhất, công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng đạt được những thành tựu quan trọng, v.v.
Tuy nhiên, trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, ảnh hưởng của mặt trái xã hội, một số đảng viên, do chủ nghĩa cá nhân, lại thiếu rèn luyện, phấn đấu, nên đã sa ngã, từ bỏ lý tưởng, thậm chí phản bội cách mạng. Đặc biệt, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, những tác động tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, “… một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí,… suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bệnh công thần, kêu ngạo…. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng phản tiến bộ, có hại cho cách mạng. Đây là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa lập trường, quan điểm xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; giữa lợi ích giai cấp công nhân, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân trong người đảng viên. Trong quá trình đó, lập trường, quan điểm thiên về tư bản chủ nghĩa và việc đề cao lợi ích cá nhân dần tăng lên, còn quan điểm kiên định với chủ nghĩa xã hội, với lợi ích giai cấp công nhân và lợi ích của tập thể phai nhạt dần. Đó thực sự là một quá trình mà nhận thức và hành động của người đảng viên chuyển biến từ đúng thành sai, từ tiến bộ thành lạc hậu; từ tin tưởng và quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sang hoài nghi, đi đến phủ nhận lý tưởng đó. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu rõ 09 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Trong đó, đáng chú ý là những quan điểm đòi phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nguyên tắc tổ chức của Đảng; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, v.v. Không những thế, một số người còn công khai nói, viết và làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thổi phồng khuyết điểm, thiếu sót của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng bất đồng chính kiến, chống đối, v.v. Họ lợi dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ; thực hiện “phi chính trị hóa”, ‘dân sự hóa” lực lượng vũ trang, v.v.
Rõ ràng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ làm biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn phá hoại nghiêm trọng uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp; thậm chí, còn đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là yêu cầu cấp thiết hiện nay và là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, bảo đảm cho Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đến thắng lợi.
 Đức Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét