Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Vạch trần bản chất, quan điểm sai trái, thù địch “Một Đảng duy nhất lãnh đạo thì không có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc vào ngõ cụt”



Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, đó là nhận định không chỉ của Đảng, nhân dân ta mà còn là của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch chống Việt Nam thường xuyên tuyên truyền luận điệu: “Ở quốc gia mà chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam thì không có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc đi vào ngõ cụt”. Trên mạng internet vẫn xuất hiện nhiều thông tin thù địch, trái chiều, các blog có nội dung xấu rêu rao tư tưởng dân chủ tư sản, bôi son, tô hồng về những thành tựu của các nước tư sản theo chế độ đa nguyên, đa đảng, hay trực tiếp nói xấu, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Bản chất của hoạt động này là nhằm phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, kích động đa nguyên, đa đảng, từng bước chuyển hóa thể chế chính trị ở Việt Nam. 
Thực tiễn lịch sử cho thấy, quá trình ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan. Sự ra đời đó không chỉ là ý chí đơn thuần của các nhà hoạt động cách mạng mà là sản phẩm của lịch sử. Theo đó, những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt cuộc khởi nghĩa do giai cấp nông dân, các sĩ phu yêu nước lãnh đạo lần lượt thất bại. Các đảng chính trị đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội ở nước ta lúc bấy giờ tranh đoạt vũ đài lịch sử dân tộc. Từ đảng của giai cấp nông dân như Nghĩa Hưng (1907), đảng của giai cấp tư sản, địa chủ như Lập hiến (1923)... tới đảng của tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức, tiểu tư sản như: Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, Đảng An Nam độc lập (1927), Việt Nam quốc dân đảng (1927)... rồi đảng của bọn tay sai đế quốc Pháp và phát xít Nhật như: Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đại Việt quốc dân đảng; các đảng phản động như: Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)... Trong số ấy, chỉ một số đảng mong chấn hưng đất nước nhưng “lực bất tòng tâm”, một số âm mưu, toan tính biến đất nước thành nơi thử nghiệm những mưu đồ chính trị của giai cấp, tầng lớp họ. Nhưng do không đủ sức lãnh đạo dân tộc, các đảng này hoặc tự phải diệt vong hoặc bị giải tán. Giai đoạn này, nước ta đã hình thành nhiều tổ chức đảng phái khác nhau, mà ta có thể hiểu một cách nôm na là “đa đảng”. Chính trong bối cảnh ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từng bước nhận được sự tín nhiệm, yêu mến của các tầng lớp nhân dân, từng bước lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Qua sự “sàng lọc” khắc nghiệt của lịch sử những thập niên đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất dẫn dắt mình đi đến tương lai hạnh phúc. Như vậy, cần khẳng định rằng, Việt Nam đã từng có thời kỳ lịch sử nhiều đảng cùng tham gia lãnh đạo cách mạng, nhưng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là cách mạng nhất, chân chính nhất, đủ bản lĩnh lãnh đạo cách mạng nước ta. Chế độ chính trị một đảng lãnh đạo là do nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân Việt Nam thực sự được làm chủ cuộc sống của mình, được sống trong “tự do, hạnh phúc”.
Phải chăng chế độ một đảng cầm quyền là mất dân chủ?
Đây là câu hỏi tốn nhiều giấy mực của các học giả cả vô sản lẫn tư sản. Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng, thì đã có lúc, có nơi một số đảng cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu gây mất dân chủ trong nội bộ đảng và trong quá trình lãnh đạo đất nước dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước này vào những năm 90 của thế kỷ XX, với cách nhìn khách quan, biện chứng và tinh thần học hỏi thì Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận ra điều này và cho đó là một bài học trong quá trình lãnh đạo đất nước. Cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh vì một chế độ dân chủ chân chính nhất. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản khác nhau về bản chất và về trình độ với tư cách là những xã hội nối tiếp nhau trong nấc thang từ thấp lên cao của xã hội loài người.
Đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập là nét đặc trưng của thể chế chính trị tư sản trên thế giới hiện nay. Nói chung, ở các nước tư bản, về hình thức thì các đảng chính trị đều “tự do”, “bình đẳng” trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền, nhưng trong thực tế thì chỉ có các đảng lớn, có thế lực, được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có khả năng chiến thắng. Mặt khác, chế độ đa đảng ở phương Tây, xét trong thực chất, cũng là dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị, vì tất cả các đảng cánh hữu đều nhằm phục vụ chế độ tư bản. Đúng là cơ chế đa đảng đưa lại một số tác động tích cực nhất định cho các đảng tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo điều kiện cho họ khả năng tránh nguy cơ chuyên quyền, độc đoán thông qua cọ xát, kiềm chế, đối trọng lẫn nhau. Tuy vậy, thể chế đa đảng này cũng dễ khuyến khích các lực lượng đối lập vì lợi ích cục bộ chỉ biết phản đối tất cả những gì của đảng cầm quyền, bất chấp phải - trái, đúng - sai. Hệ quả là làm xuất hiện một nền chính trị vì quyền lực và một công nghệ đấu đá chính trị trên những lợi ích chính đáng của đông đảo cử tri.
Tính giai cấp của nền dân chủ tư bản phương Tây được thể hiện thông qua vị trí của tiền bạc ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong đời sống chính trị. Cái gọi là “nền dân chủ Mỹ” thật ra là nền dân chủ của nhà giàu. Tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 25-11-2000 viết: “Cuộc bầu cử năm 2000 đã cho thấy rõ nền dân chủ Mỹ có thể bán cho những người trả giá cao nhất”. Tờ Thế giới (Tây Ban Nha) cùng ngày đã ví thói mê tiền như là “căn bệnh ung thư của nền dân chủ Mỹ”. Một chính quyền được tạo lập bởi đồng tiền thì tất yếu phải hướng đến phục vụ những kẻ nhiều tiền, chứ đâu phải là một “chính quyền của tất cả mọi người” mà các lý luận gia của họ rêu rao. Như vậy, dân chủ hay không dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Ở nước ta, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là quy luật hình thành, phát triển, là tôn chỉ mục đích hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là người đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Đó là các quyền sử dụng tư liệu sản xuất, có công ăn việc làm, quyền học tập và hưởng thụ văn hóa, quyền tham gia quản lý nhà nước, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và cơ quan nhà nước, quyền đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật, bày tỏ ý kiến về các hiện tượng tích cực và tiêu cực trong đời sống xã hội... Vì vậy, có ai đó nói “một quốc gia chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam thì không có dân chủ” là không có căn cứ, thậm chí là phản khoa học, vì thực tế ở Việt Nam hiện nay đang chứng minh điều ngược lại.
Sự thực đằng sau quan điểm trên là gì?
Sở dĩ ở trên chúng ta đề cập đến 2 dạng người, một là những cá nhân nhận thức ngây thơ về mặt chính trị, hay “não ngắn” nên có những phát ngôn ngông cuồng, thiếu căn cứ. Trường hợp thứ hai là những phần tử cơ hội chính trị, chống đối, thù địch với chế độ xã hội chủ nghĩa. Cả 02 nhóm đối tượng này đều tìm cách sử dụng các trang mạng xã hội để tập trung đả phá hệ thống lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền, phá hoại việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ Đảng, đặc biệt trong thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp và kiện toàn bộ máy nhân sự nhà nước ở Trung ương; kích động tư tưởng phân biệt giai cấp, hận thù chế độ trong các tầng lớp xã hội; kích động nhân dân, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nhằm tạo cơ hội cho các nước tư bản phương Tây dễ dàng thực hiện mưu đồ chính trị của chúng. Đưa ra các tuyên bố về tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam trái với thực tế để cho rằng chế độ một đảng lãnh đạo như ở Việt Nam đang bóp nghẹt “dân chủ”, làm cho nhân dân bị áp bức, bóc lột, gây ra tình trạng quan liêu, tham nhũng, làm cho đất nước đi vào “ngõ cụt”. Đáng chú ý sự câu kết, móc nối giữa các phần tử chống đối ở trong và ngoài nước ngày càng rõ nét.
Theo đó, quan điểm: “Một đảng duy nhất lãnh đạo thì không có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc vào ngõ cụt” rõ ràng là đi ngược lại với thực tế và chính nghĩa, cần cương quyết đấu tranh, bác bỏ.
 Trí Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét