Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN INTERNET HIỆN NAY




Trong kỷ nguyên công nghệ số, internet đang được các thế lực phản động trong và ngoài nước sử dụng như là một công cụ, phương thức truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá công cuộc đổi mới, hội nhập, sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vạch trần bản chất và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các thế lực thù địch đưa nhiều thông tin tuyên truyền, luận điệu xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bôi nhọ lãnh tụ, nói xấu cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, đưa các thông tin thất thiệt về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh,... đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là đối với một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này.
Nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet: Đây là việc làm trở nên cấp bách nhằm làm thất bại hệ thống các phương thức chống phá của các thế lực thù địch; góp phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh Việt Nam trung thực, gần gũi, thân thiện trong con mắt của bạn bè quốc tế, giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu và tin tưởng, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn trong môi trường quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Chính từ ý nghĩa đó, các cấp, các ngành, cơ quan có trách nhiệm phải nhận thức sâu sắc tính quyết liệt, phức tạp, lâu dài, thường xuyên trong cuộc đấu tranh này, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ giữa giữ bên trong với chủ động ngăn ngừa. Giữ bên trong là giữ vững sự ổn định chính trị, mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, chủ động ngăn ngừa mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù; ngăn ngừa mọi sự yếu kém, sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp lãnh đạo, điều hành Nhà nước. Ngoài ra, trong cuộc đấu tranh toàn diện này, cần nâng cao bản chất giai cấp công nhân, khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn; kiên quyết loại trừ những xu hướng cơ hội, xét lại, hữu khuynh giáo điều, bảo thủ tả khuynh, cũng như mọi biểu hiện sai trái, tiêu cực và tham nhũng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể quần chúng và toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển, xây dựng tiềm lực kinh tế vững mạnh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của chế độ chính trị, mở rộng hợp tác quốc tế đi đôi với tăng cường quyền tự chủ và an ninh quốc gia.
Thường xuyên cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn, bác bỏ mọi luận điệu sai trái, thù địch trên internet: Do sự phát triển của các phương tiện kết nối internet, nên khó có thể cấm đoán công dân khai thác thông tin trong một xã hội thông tin hiện đại. Vấn đề là, chúng ta phải có những giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu sự truy nhập, tìm kiếm thông tin sai trái và tác động của nó đối với nhận thức của những đối tượng tiếp cận thông tin.
Để làm tốt việc này, cần chú trọng một số nội dung: 1. Luôn nâng cao kiến thức về mọi mặt, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên,… để họ giữ vững bản lĩnh chính trị, có phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, khoa học. 2. Nâng cao cảnh giác, đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin ngược chiều với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. 3. Bản thân mỗi người có ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin, tích cực đấu tranh chống phao tin đồn nhảm, lưu truyền thông tin xấu, thông tin thất thiệt. 4. Các cơ quan hữu quan, cơ quan chuyên trách cần có sự phân loại thông tin, điều chỉnh những cách thức đấu tranh, hạn chế, bài trừ cho phù hợp.
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị, cần được triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp. Thực hiện tốt những vấn đề cơ bản trên, sẽ góp phần hữu hiệu ngăn chặn, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa - chế độ tốt đẹp mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng./.
Cao Điêm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét