Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRÊN INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI




1- Thủ đoạn chống phá
Một là, tuyên truyền các nội dung dối trá, lừa bịp; bóp méo, thổi phồng, xuyên tạc những khuyết điểm, sai lầm hay lợi dụng các sơ hở trong quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền để vu cáo, bôi nhọ, hạ thấp uy tín. Các thông tin này được lặp đi lặp lại nhiều lần trên các diễn đàn, kéo dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Hai là, lập ra hàng trăm trang web, các nhóm (phần lớn máy chủ đặt ở nước ngoài) để thu thập, bịa đặt, nhào nặn, trộn lẫn tốt - xấu, thật - giả, tán phát thông tin, tài liệu, hình ảnh xấu độc, tung ra các luận điệu vu cáo, bình luận thâm độc, kêu gọi trắng trợn, thu hút sự phụ họa của những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá.
Chúng công khai liên kết với nhau, thành “phong trào” tạo sức ép dư luận làm cho Đảng, Nhà nước phải  “điều chỉnh” nhượng bộ theo ý đồ của chúng.
Thủ đoạn kỹ thuật sao chép, cắt dán hình ảnh để tạo dựng sự kiện “giả như thật”; mở diễn đàn với nhiều tên gọi khác nhau, như: “chống tham nhũng”, “liêm chính”, “cứu quốc”, “hội những người Việt Nam yêu nước”, “hãy vì tự do, dân chủ”, hay là "Ban tuyên giáo Đảng Cộng Sản Việt Nam", "Chuyển động 24 giờ"... sau đó cho đăng các bài viết, bình luận mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng, các trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng gây nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng nhằm kích động, lôi kéo, gây sự chú ý của dư luận.
Tính chất, cường độ chống phá thường tập trung vào thời điểm đất nước chuẩn bị tổ chức các sự kiện quan trọng, như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, kỷ niệm các ngày lễ, tết... Khoét sâu những mặt tiêu cực của các vụ án, việc sai phạm của một số tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ba là, xuyên tạc thông tin mới, “làm mới” thông tin cũ; bóp méo, xuyên tạc sự thật, gây nhiễu loạn thông tin, làm “nóng” tình hình, kích động tâm lý đám đông nhằm tập hợp, lôi kéo nhiều phần tử khác trong xã hội cùng tham gia.
Chúng quy chụp những hạn chế, tiêu cực tạo tâm lý bán tín, bán nghi trong cán bộ, đảng viên, quần chúng. Đẩy mạnh các hoạt động mua chuộc, móc nối, lôi kéo các phần tử suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bất mãn và những người thiếu thông tin, dao động để tham gia chống phá.
2- Thủ đoạn tán phát
Các thông tin xấu độc được phát tán với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau, tuy nhiên thủ đoạn được ghi nhận nhiều nhất là thế lực thù địch, phản động thành lập các kênh thông tin, và để thu hút người truy cập, trong giai đoạn đầu tiên, những phần tử quản trị các trang web, các diễn đàn này rất nỗ lực tổng hợp tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài. Khi đã thu hút một số lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng sẽ tăng dần.
Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, đặc biệt là giới trẻ (ít đọc báo in, chỉ đọc báo mạng thông qua đường dẫn của bạn bè trên mạng xã hội) dễ dàng mắc mưu của các thế lực thù địch, phản động, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu độc trên các trang mạng và các diễn đàn đã nêu trên.
Qua đó, chúng khuyến khích nhiều người lên mạng xã hội trao đổi, thu thập thông tin, bày tỏ quan điểm chính trị cực đoan, làm “nóng” các vấn đề xã hội, gây hoang mang, giảm sút niềm tin trong các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, từ đó, chúng đạt được các ý đồ trong chiến lược "diễn biến hòa bình" nhằm chuyển hóa chế độ ở Việt Nam.





 Văn Hùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét