Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

ĐỪNG LẦM TƯỞNG ĐỂ TỰ PHÁ HOẠI BÌNH YÊN CỦA CHÍNH MÌNH




Trong bài “Phải chăng xã hội này chỉ toàn tiêu cực”, bản thân tôi muốn nhắn gửi đến mọi người rằng: Xã hội xung quanh chúng ta, hàng ngày, ngày giờ vẫn có rất nhiều những điều tốt đẹp đang diễn ra, rằng những điều tích cực vẫn là đa số, vẫn là chủ yếu trong cuộc sống này, chúng ta đừng quá bi quan mà hãy có cái nhìn khách quan, tin tưởng vào cuộc sống.
Ở bài này tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác, đó là: Tại sao một số người lại hay bất mãn, muốn thổi phồng những tiêu cực, sai phạm của cá nhân để quy chụp thành bản chất của chế độ xã hội và hệ lụy của những điều đó là gì?
Trên mạng xã hội cũng như cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp một số người rất hay than trách cuộc sống, nghi ngờ mọi thứ xung quanh, cho rằng mọi thứ đều xấu xa, tự cảm thấy mình chịu nhiều bất công, từ đó oán trách chế độ xã hội. 
Họ nhìn xã hội qua lăng kính màu đen nên mọi thứ xung quanh đều trở nên đen tối. Khi kinh tế phát triển họ nói rằng phát triển không thực chất, phải đánh đổi môi trường, lợi ích vào túi một số ít người. Khi một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số vụ tham nhũng bị phát giác, xử lý nghiêm theo pháp luật, thì họ cho rằng như thế là chưa đủ, mà thậm chí phải "đập chế độ này đi xây lại vì cả hệ thống tham nhũng". Khi một vài trường học xảy ra bạo lực học đường, thì họ kết luận cả nền giáo dục là bỏ đi. 
Thực tế trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những người bi quan và bất mãn. Từ những bất mãn so bì đó, thay vì nỗ lực để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn nữa cho bản thân như mong muốn, thì họ lại quay ra oán trách, thậm chí chửi bới, bôi nhọ chế độ xã hội. Những lúc bình thường thì tâm thế bi quan, bất mãn nêu trên sẽ gây tiêu cực cho chính bản thân họ và xã hội. Mặt khác, sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch hướng tới, lôi kéo, nhằm đạt được mục đích là gây bất ổn xã hội, thậm chí gây rối loạn xã hội, tiến tới lật đổ chế độ.
Có quốc gia nào hoàn hảo không?
Năm 2004, siêu bão Charley tàn phá một số vùng của nước Mỹ, làm 22 người chết và thiệt hại 11 tỷ USD. Điều đáng nói, sau cơn bão này, người dân Mỹ mới nhận ra những điều bất ổn trong xã hội mình. Đó là nhân việc bão quét sạch mọi thứ, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán với mức cắt cổ để kiếm lợi. Máy phát điện từ 250 USD tăng lên 2.000 USD; nước đá từ 2 USD được nâng lên 10 USD; một gia đình muốn dọn hai cây đổ vào nóc nhà thì phải trả giá là 23.000 USD (khoảng 530 triệu VNĐ). Đỉnh điểm là câu chuyện một cụ bà 70 tuổi chạy bão với người chồng và cô con gái khuyết tật đã phải trả 160 USD (khoảng 3,7 triệu VNĐ) một đêm cho buồng trọ giá bình thường chỉ 40 USD. Tờ USA Today khi đó đã bức xúc chạy dòng tít: “Kền kền sau bão” để phê phán thực trạng lợi dụng thảm họa, lợi dụng sự khổ đau của người khác để ép giá cắt cổ. Thế nhưng, điều đáng nói hơn là một số nhà kinh tế tại Mỹ lại phản đối tờ USA Today và cho rằng việc tăng giá như thế là bình thường, vì trong một nền kinh tế thị trường có quy luật cung cầu, cầu tăng mà nguồn cung giảm thì ắt giá sẽ tăng, chứ không có khái niệm “giá cắt cổ”.
Còn ở Việt Nam chúng ta, mỗi khi có thiên tai, lũ lụt thì sao? Có lẽ tất cả chúng ta đều biết, tâm thế chủ đạo là: “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, cả nước chung tay giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại ...Không có ai là hoàn hảo, tất cả quốc gia, dân tộc, cơ quan, tổ chức, cá nhân đều mãi mãi chỉ trên con đường để vươn tới sự hoàn hảo. Và muốn vươn tới tiệm cận sự hoàn hảo đó thì chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn, khách quan về mọi thứ xung quanh mình. Thay vì oán trách xã hội, thì nên tự nỗ lực hơn nữa trong công việc và cuộc sống.
Đất nước Việt Nam đang trên con đường phát triển, do đó còn nhiều vấn đề đặt ra, còn những mặt trái trong xã hội. Vì vậy, muốn đất nước phát triển thì mọi người cần bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn nhận đúng mọi vấn đề xung quanh mình, nỗ lực đóng góp sức mình cho Đất Nước. Đừng vì những mặt trái hiện có trong xã hội mà thất vọng, chán nản, để rồi dễ bị lợi dụng, bị kích động, tự mình phá hoại sự ổn định của đất nước mình, sự bình yên, hạnh phúc của bản thân mình./.
Thành Rô


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét