Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

Trên các trang cá nhân như facebook, yotube, zalo,… một số phần tử phản động, chống Đảng, Nhà nước và Nhân dân, như Lê Công Định, Nguyễn Đình Cống, Phạm Chí Dũng, Đinh Đức Long lại tập trung việc lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng để chống phá, kích động. Mục đích của chúng là xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Đảng trong dự thảo các văn kiện. Chúng xuyên tạc rằng: Chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua hòa bình, đối thoại là “nhu nhược”, “hèn nhát”. Thậm chí, chúng còn lợi dụng công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại để cắt ghép, chắp vá hình ảnh hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyển biển, đảo của Việt Nam.

          Trước hết, cần khẳng định rằng, những luận điệu của các phần tử phản động đăng tải trên mạng xã hội là hoàn toàn bịa đặt, vu khống, nếu chúng ta mơ hồ, mất cảnh giác, thiếu đi sự kiểm chứng các thông tin trên sẽ dễ dẫn đến ngộ nhận và cổ súy cho những quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc của chúng. Trong đó, nhiều nội dung không đúng sự thật, thậm chí có nội dung không hề xuất hiện trên truyền thông chính thống như chúng từng trích dẫn. Đây chẳng qua chỉ là sự lừa bịp người dân đi đến kích động, xúi giục, tuyên truyền những quan điểm sai trái, phản động để gây mất ổn định chính trị xã hội, tác động xấu đến tình hình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

          Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo là phải kiên quyết, kiên trì với những đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo; kiên quyết không bị kích động, xúi giục gây xung đột vũ trang, chiến tranh; giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa một bên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một bên là Trung Quốc. Hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC), để biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.

          Trên thực tế, những năm qua, Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang chưa bao giờ chủ quan, lơ là trong bảo vệ Tổ quốc, trong đó có biển Đông. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư đã tích cực, chủ động các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trên vùng biển Việt Nam.

          Để giữ vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo; kiên quyết chống các quan điểm sai trái, phản động trên không gian mạng. Chú trọng việc cung cấp các thông tin khách quan, có định hướng về những vấn đề đang diễn ra, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Đông để Nhân dân hiểu đúng bản chất vấn đề. Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của dư luận quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và lên án các hành động vi phạm chủ quyền biển, đảo, quyền chủ quyền của Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét