Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng




Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Nhận rõ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, thoái hóa, cơ hội chính trị, bất mãn gây ra
Nền tảng tư tưởng của Đảng là một bộ phận quan trọng cấu thành đời sống chính trị, tinh thần, nhân tố căn bản, cốt lõi tạo cơ sở, tiền đề quyết định mọi hoạt động xây dựng, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng. Một khi nền tảng tư tưởng của Đảng thay đổi, tất yếu dẫn tới sự thay đổi mục tiêu, lý tưởng, nguyên tắc tổ chức, phương hướng hoạt động chính trị. Do đó, các thế lực thù địch, chống cộng xác định, để thực hiện mục tiêu chống phá, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tập trung mũi nhọn để tấn công nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, chúng luôn tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông, internet, phát triển thêm nhiều trang mạng xã hội và blog; triệt để lợi dụng các yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ đảng viên, tâm trạng băn khoăn trong nhân dân,… để tuyên truyền, kích động chia rẽ nội bộ, nói xấu cán bộ, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng, du nhập chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa vì chủ nghĩa Mác – Lê-nin là tư tưởng ngoại lai, chỉ phù hợp với một chừng mực nào đó với trình độ, lực lượng sản xuất và văn hóa Nga, không phù hợp với thế kỷ này, với truyền thống dân tộc Việt Nam. Và họ đưa ra luận điệu rằng, tại sao các nước theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin chưa thể là nước phát triển, còn tất cả các nước phát triển trên thế giới hiện nay đều không tuân theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Gần đây chúng chuyển sang luận điệu: “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa, ngay cả các cán bộ cấp cao”. Đồng thời, đưa ra các luận điệu: “đấu tranh giai cấp”, “tập trung dân chủ” là cổ vũ cho bạo lực, cho chiến tranh, cho độc quyền, độc đoán, thủ tiêu dân chủ, không phù hợp với xu thế thời đại, do đó không thể thúc đẩy xã hội phát triển.
Phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là không có cơ sở; Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, không phù hợp với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nên phải tách tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Phủ định các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cho rằng hình thái kinh tế xã hội chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được; theo đó, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu. Cho rằng, nhà tư bản bóc lột công nhân nào khi hiện nay các nhà máy, công xưởng toàn các rô bốt làm việc; rằng, chủ nghĩa xã hội đặt xã hội lên trên cá nhân chỉ là đề cao một số người đang nắm quyền trong xã hội đó.
Tấn công vào đường lối của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng, không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản vì hiện nay Việt Nam đang xây dựng và phát triển chủ nghĩa tư bản, chỉ khác là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Vậy nên, cần giải quyết các vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó, theo chủ nghĩa xã hội dân chủ là tốt nhất. Chúng rêu rao: Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, không thể có chủ nghĩa xã hội. Không ít kẻ đã lớn tiếng rằng, “chủ nghĩa xã hội chính là bước quá độ từ chủ nghĩa xã hội nghèo đói tiến tới chủ nghĩa tư bản, những ước mơ của chủ nghĩa xã hội thì chính chủ nghĩa tư bản đã thực hiện rồi, rằng người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở chủ nghĩa tư bản những lời giải đáp đầy đủ cho mọi vấn đề được đặt ra trong đời sống loài người. Tóm lại, người ta muốn nói những người Mác xít bàn về chủ nghĩa xã hội chẳng khác nào bàn về hư vô”.
Tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa đảng. Họ tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là vào nguyên tắc tập trung dân chủ, bằng việc vu cáo Đảng Cộng sản chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “độc đoán, đảng trị”. Gần đây, chúng đưa ra luận điệu: Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, điều kiện hiện nay không còn phù hợp nữa, nên để lực lượng khác, mới đưa đất nước tiến lên.
Một số người không phủ nhận hoàn toàn tính chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội nhưng lại phê phán C. Mác về luận điểm đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội, cho rằng những luận điểm này làm nghèo đi những hình thức tiến hóa của xã hội, khuyến khích thù hận, mâu thuẫn, đấu tranh giai cấp liên miên. Dựa vào một số “cải cách” ở các nước tư bản và nhất là dựa vào các mô hình xã hội dân chủ Thụy Điển, Phần Lan, họ cho rằng từ chủ nghĩa tư bản tiến sang chủ nghĩa xã hội không nhất thiết phải thông qua cách mạng xã hội mà cứ để cho nó phát triển tự nhiên, thông qua việc mở rộng dân chủ, đấu tranh nghị trường để nhân dân tự lựa chọn chế độ chính trị mới.
Về sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân, chúng cho rằng, giai cấp công nhân chỉ là những người có học vấn thấp, những lãnh tụ của giai cấp công nhân cũng thường có trình độ văn hóa không cao, “lại được đào luyện trong một lôgíc chuyên chế bạo ngược”, cho nên giỏi lắm cũng chỉ có thể lật đổ chế độ cũ, chứ không thể lãnh đạo toàn dân xây dựng được một xã hội mới tốt đẹp, nhất là trong thời đại khoa học phát triển. Họ lập luận: “Nếu như giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, xây dựng một xã hội mới thì tại sao ở những nước tư bản phát triển có lực lượng công nhân rất đông, chất lượng cao lại không thực hiện được vai trò lịch sử của mình? Đảng Cộng sản Việt Nam không thể gọi là Đảng của giai cấp công nhân được, vì nó có rất ít tính công nhân mà mang đậm tính nông dân, chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa phong kiến. Vì thế, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng chỉ phấn đấu leo cao để tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Với những điều kiện như trên, giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản không thể lãnh đạo, xây dựng được chủ nghĩa xã hội đích thực ở Việt Nam”, v.v.
Góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Bí thư và Bộ Chính trị, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị, cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng đã được tiến hành rộng khắp trên các lĩnh vực, đạt được kết quả quan trọng. Hầu hết cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân đều có nhận thức đúng về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được giữ vững, khẳng định địa vị thống trị trong đời sống chính trị - tinh thần ở nước ta, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Mặc dù vậy, hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có mặt chưa cao; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân còn bị ảnh hưởng bởi những quan điểm sai trái, thù địch, dẫn đến hoài nghi, thiếu tin tưởng vào nền tảng tư tưởng của Đảng, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trước tình hình đó, để tăng cường sự thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, tạo đồng thuận xã hội, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chuẩn bị thấu đáo, chất lượng, hiệu quả cho Đại hội XIII sắp tới, chúng ta cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị một cách hiệu quả nhất, hướng tới chủ đích là củng cố niềm tin, sao cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vững tin vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi tư tưởng đã thông suốt, niềm tin có cơ sở khoa học vững chắc, trở thành chất keo đặc biệt gắn kết quan hệ giữa Đảng với nhân dân, đưa tới thống nhất về hành động, làm cho cả dân tộc đồng lòng, chung sức, tạo thành lực lượng vật chất vô cùng to lớn, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Để thực hiện được, trước hết các cấp ủy đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan các cấp đối với công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch. Tập trung xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xác định mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh tư tưởng đúng đắn, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lãnh đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy chế quản lý thông tin, báo chí, xuất bản, cơ chế cung cấp thông tin, phát ngôn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác tổ chức, cán bộ; phòng, chống nội gián, bảo vệ bí mật Quốc gia. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong phát hiện, xử lý những phần tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ hội chính trị; giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh, phòng ngừa, ngăn chặn sự can thiệp, móc nối của các thế lực thù địch.
Hai là, tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, “sức tự đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân. Để làm được điều đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống các nhà trường; đổi mới chương trình, nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị và giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường giáo dục những nguyên lý cơ bản, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng, phát triển của Đảng. Tuyên truyền sâu rộng những giá trị văn hóa truyền thống, bài học kinh nghiệm lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đầy đủ, sâu sắc về đối tượng, âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay; thấy rõ đây là cuộc đấu tranh có tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp và hết sức quyết liệt. Nhận thức rõ đối tượng, đối tác trong điều kiện nước ta hội nhập hợp tác quốc tế sâu hơn, toàn diện hơn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh. Chủ động cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo về hưu, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, v.v. Từ đó, định hướng dư luận, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần làm rõ, bổ sung và hoàn thiện nền tảng tư tưởng; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; làm rõ các vấn đề cần bổ sung, phát triển; nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin của Hồ Chí Minh. Đối với những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, cần nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị tiến bộ; đồng thời, chủ động nghiên cứu, phê phán bản chất phản khoa học, phản cách mạng của các quan điểm sai trái, thù địch bằng các luận cứ khoa học và minh chứng bằng thực tiễn một cách thuyết phục. Quan tâm nghiên cứu để dự báo sớm tình hình thế giới, khu vực và trong nước, những điều chỉnh chiến lược của các nước lớn; dự báo âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, xu hướng vận động của nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… để xây dựng kế hoạch, nội dung, phương thức đấu tranh cho phù hợp, hiệu quả.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, quy chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành của Trung ương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương để phát hiện kịp thời, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Duy trì, thực hiện tốt chế độ giao ban phản ánh tình hình, trao đổi thông tin, thống nhất biện pháp phối hợp đấu tranh; không để chúng lợi dụng những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh, kết hợp tuyên truyền, giáo dục với các biện pháp tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát; giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động, kịp thời thông tin làm rõ sự thật, định hướng tư tưởng, dư luận cho nhân dân, nhất là trước những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, tạo sự thống nhất cao đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, tăng thời lượng đăng tải các tin, bài đấu tranh trên các ấn phẩm, phương tiện truyền thông.
Năm là, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên sâu trong đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Đó là những cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận cao, có khả năng diễn đạt, luận chiến thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí, quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Chú trọng nâng tầm lý luận sắc sảo, kinh nghiệm đấu tranh; bảo đảm cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ thích đáng cho đội ngũ những nhà khoa học, cán bộ chủ trì, chủ chốt ở các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và các địa phương, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản - lực lượng nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng. Chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn lọc thông tin, không để các thế lực thù địch lợi dụng internet chống phá.
Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc chiến đấu lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, các cấp, các ngành, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, Nhà nước, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Văn Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét