Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG, ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI VÀ CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

          Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 tại một số quốc gia và nguy cơ bùng phát trong nước, Thường trực Ban Bí thư (ngày 27-4), Thủ tướng Chính phủ (ngày 23-4) đã ban hành công điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.

          Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra vào sáng 26-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức, trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.

Đây là những chỉ thị hết sức kịp thời, thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân; đập tan luận điệu vu khống, xuyên tạc về nỗ lực phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.

          Ngày 29-4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước thông tin Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố bảo đảm thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 1-5-2021 trên vùng biển có phạm vi bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

          Việt Nam cho rằng, việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định có liên quan của UNCLOS 1982 và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.

          Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét