Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

MỌI CÔNG DÂN ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỀU CÓ QUYỀN BẦU CỬ, ỨNG CỬ

 


Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị. Cũng giống như trước thềm Đại hội XIII của Đảng, càng gần đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch, phản động càng giở nhiều chiêu trò, luận điệu chống phá. Gần đây, trên một vài trang tiếng Việt ở hải ngoại tiếp tục đăng phát các bài vu cáo rằng Đảng ta tìm “nhiều cách để loại ứng cử viên độc lập”

Mới đây trên BBC tiếng Việt có phỏng vấn một số nhân vật được cho là đã “tự ứng cử đại biểu quốc hội” ở các kỳ bầu cử trước đây, nói rằng “chính quyền sử dụng lực lượng quần chúng để loại bỏ những ứng cử viên độc lập thông qua các vòng hiệp thương”. Đề cập đến công tác hiệp thương họ cho rằng, những người đến dự hội nghị cử tri “có tri thức thấp, hoặc là những người về hưu nhưng không có tính phản biện, luôn nghe theo đảng và nhà nước, từ đó sẵn sàng vu khống những người mà họ không biết.” Chưa hết, họ còn cho rằng, những người ứng cử tự do thường “bị bôi xấu”, thậm chí bị bắt bớ, giam giữ trước thềm hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú... Đây là những giọng điệu rất nguy hiểm và hoàn toàn mang tính xuyên tạc, bịa đặt.

Thực tế đã chứng minh từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời cho đến nay, quyền bầu cử, ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp của công dân luôn được hiến định rõ ràng trong Hiến pháp. Ngay sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Điều 18 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử, ứng cử”. Càng về sau quyền bầu cử, ứng cử của công dân càng được quy định rõ ràng hơn trong các bản Hiến pháp. Gần đây nhất tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Không chỉ hiến định trong Hiến pháp mà việc thực hiện các quyền bầu cử, ứng cử của công dân ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo vệ trên thực tế. Mọi công dân Việt Nam khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có quyền bầu cử, ứng cử ĐBQH và HĐND. Việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử là hoàn toàn công khai, dân chủ, bình đẳng. Mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân đều là vi phạm Hiến pháp và đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Thực tế này đã bác bỏ hoàn toàn mọi luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang rêu rao bóp méo, xuyên tạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét