Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

KHÔNG THAM GIA MÀ CÒN RẮP TÂM PHÁ HOẠI

 


Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thế nhưng ở một vài nơi, kẻ xấu và một số vị linh mục chẳng những không đồng hành với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương mà còn rắp tâm chống phá.

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ sâu rộng trong toàn xã hội, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ, sáng suốt lựa chọn và bầu ra những người đủ tâm, đủ tầm, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.

Từ nhiều tháng qua, Bộ Chính trị; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác bầu cử theo đúng pháp luật và tiến độ đề ra. Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong cả nước quán triệt sâu kỹ các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên và gắn vào thực tế tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện các khâu, các bước theo quy trình công tác chuẩn bị bầu cử. Cho đến nay, việc triển khai các bước chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra theo đúng tiến độ và quy trình. Trong thành quả chung ấy chúng ta không phủ nhận đóng góp của đồng bào các tôn giáo. Những ngày tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tập trung cao độ tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp.

Nhưng thật đáng buồn, giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực, cố gắng để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân thì vào những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2021, kẻ xấu và một số linh mục trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Gia Lai, Lai Châu… lại cố tình tìm cách tuyên truyền xuyên tạc, kích động giáo dân tẩy chay cuộc bầu cử với luận điệu “không biết, không bầu”, nếu đi bầu cử thì gạch tên các ứng cử viên là cán bộ, đảng viên do Trung ương giới thiệu, ủng hộ người ngoài Đảng và những người tự ứng cử. Thậm chí có nơi linh mục quản xứ còn lợi dụng thời điểm cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để kích động giáo dân tụ tập khiếu kiện đưa ra những đòi hỏi không chính đáng, trái pháp luật hòng gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Những hành vi như đã nêu của một số linh mục là hoàn toàn sai trái. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân. Điều 27 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Điều 95, Chương X, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: "Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự". Việc xử lý các hành vi vi phạm nói trên, Điều 160, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định: “1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Không chỉ trái pháp lý, hành vi của một số linh mục như đã nói còn trái cả đạo lý. Đường hướng phát triển của Giáo hội là “Sống phúc âm trong lòng dân tộc” theo tinh thần “Kính Chúa yêu nước”. Với tư cách là công dân, con chiên của Chúa và trọng trách quản xứ, đáng lẽ ra các linh mục phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình, thực sự là người gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tuân thủ các quy định của Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đằng này họ lại cố tình đi ngược với đường hướng Giáo hội, lời răn của Chúa. Mặt khác, đức ái là cốt lõi của lề luật và đời sống linh mục. Theo đường hướng của Giáo hội, lời răn của Chúa và đức ái thì những hành vi của một số linh mục như đã nêu là không thể tồn tại.

Hiện nay, các cấp, các ngành, các lực lượng, các địa phương và toàn dân ta đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung trong quy trình chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Song hành với đó toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội thực hiện “mục tiêu kép”.

Trong bối cảnh ấy, một mặt chúng ta phải kiên quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật với những linh mục cố tình vi phạm pháp luật về bầu cử và về phòng chống dịch bệnh. Mặt khác chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn dân nói chung, bà con giáo dân nhất là các chức sắc nói riêng nhận thức rõ Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tham gia bầu cử là thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp lựa chọn bỏ phiếu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình để thay mặt mình tham gia Quốc hội và HĐND các cấp; góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước để tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động xã hội. Chỉ có hiểu rõ điều ấy thì cử tri nói chung, cử tri là bà con giáo dân nói riêng mới tỉnh táo nhận rõ những chiêu trò của kẻ xấu và một số linh mục cũng như các thế lực thù địch để tham gia đấu tranh, không hùa theo những “lời kêu gọi”, những hành vi kích động gây rối cố tình rắp tâm chống phá cuộc bầu cử của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét