Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã lợi dụng các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; tập trung chủ yếu vào những vấn đề như: xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam; lợi dụng một số hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian qua, nhất là việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ, một số thế lực cố tình xuyên tạc rằng Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân nước này chống nước kia”, theo đó họ cáo buộc Việt Nam đã “từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình”; một số phần tử phản động trong và ngoài nước lên tiếng xuyên tạc chính sách đối ngoại trên lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam, cho rằng Đảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự trói tay mình”, là chính sách “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi” vì nếu không thay đổi sẽ không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước…
Mặc dù nội dung và hình thức xuyên tạc có thể khác nhau, nhưng các thế lực thù địch đều có mục đích giống nhau là nhằm xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, chống phá cách mạng Việt Nam. Sự chống phá đó rất nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với các nước trên thế giới, hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị quốc tế. Những luận điệu đó không thể làm chệch hướng, vô hiệu hóa đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, không thể hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, nhưng cũng khiến cho một bộ phận trong xã hội hoang mang, dao động, làm giảm niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gây khó khăn cho Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với 191 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; là đối tác chiến lược toàn diện với các nước Ân Độ, Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc . Đặc biệt, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với toàn bộ 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ nhóm nước G7 và 13/20 nước G20 và 8/9 nước trong ASEAN.
Cơ sở quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã ký kết góp phần củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị hợp tác với các đối tác quan trọng, đặc biệt là với các nước lớn, với các nước láng giềng có chung đường biên giới. Đồng thời, việc thiết lập quan hệ đối tác với các nước lớn, có vai trò quan trọng giúp Việt Nam xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, đưa hợp tác trở thành chủ đạo và kênh trao đổi giảm thiểu sự khác biệt trong quan hệ với các nước này, tạo điều kiện để tăng cường lòng tin. Thông qua các quan hệ song phương được thiết lập tạo ra sự đan xen lợi ích, giúp Việt Nam tranh thủ được nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện thông qua vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các nước cũng như trong các khuôn khổ hợp tác đa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét