Chúng ta đã biết, ở nước ta, việc quản lý Nhà nước về tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật; trong đó, xác định rõ quyền hạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên các lĩnh vực quản đạo, hành đạo, truyền đạo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc...
Tuy nhiên, với mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước không từ một thủ đoạn nào để chống phá cách mạng nước ta; trong đó, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo là một trọng điểm của chúng. Hiện nay, dưới chiêu bài tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chúng thực hiện các bước chống phá rất quyết liệt, từ thấp đến cao, lúc âm thầm lặng lẽ, nhưng khi cần cũng hành động rất trắng trợn công khai, trên nhiều khía cạnh:
Trước hết, chúng lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại an ninh quốc gia; kích động tư tưởng ly khai trên các địa bàn chiến lược. Nhất là vấn đề ở Tây Nguyên thời gian gần đây, cụ thể vào ngày 16/6/2023 trên trang Blog Đài Châu Á Tự Do tán phát bài “Người Thượng vì công lý luôn đấu tranh nhân quyền theo con đường ôn hoà”; ngày 19/6/2023, trên trang Blog VOV Tiếng Việt, đối tượng Lê Quốc Dân tán phát bài “Tôn giáo, sắc tộc, đất đai, nguồn cơn bất ổn Tây Nguyên”, nội dung xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; vu cáo chính quyền Việt Nam “ngăn cấm” tôn giáo, phân biệt dân tộc với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; đồng thời cổ suý cho các hoạt động chống đối chính quyền.
Như chúng ta đã biết, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và có chính sách bảo đảm phát triển tự do, công bằng, bình đẳng đối với các tôn giáo. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều khẳng định: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong suốt quá trình xây dựng CNXH ở nước ta.
Trong từng thời kỳ của cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, các chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân; các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo vệ và phát triển. Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo... đều có mặt tại Việt Nam, đang cùng chung sống hòa bình, đoàn kết, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã giúp đỡ các tôn giáo tu sửa, tôn tạo nhà thờ, chùa chiền, tu viện… Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học, như: Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo, Viện thánh kinh Thần của đạo Tin lành được chính quyền các cấp tạo điều kiện hoạt động và phát triển.
Thực tiễn đó ở Việt Nam mọi người đều thấy. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động lại "không thấy", chúng ra sức phủ nhận các thành tựu về tôn giáo, thậm chí còn xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta "bóp nghẹt" tôn giáo, hòng bôi nhọ bức tranh tôn giáo ở Việt Nam. Liên tục nhiều năm nay, công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ đều nhận xét sai lệch, phiến diện về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam nói riêng, của nhiều nước trên thế giới nói chung. Thoạt nghe, dư luận đều đặt câu hỏi, phải chăng họ làm như vậy là thực lòng "quan tâm giúp đỡ" Việt Nam; muốn đối thoại xây dựng về tôn giáo...
Song, những hành động mà họ làm đã cho câu trả lời hoàn toàn ngược lại. Thực chất cái gọi là "tình hình tôn giáo ở Việt Nam" là chiêu bài lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mục đích chống phá Nhà nước ta. Họ nhân danh bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động tư tưởng ly khai, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, hòng lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ đó, chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam "đàn áp tôn giáo", giam cầm các "tù nhân lương tâm", đòi tôn giáo được tự do hoạt động, không chịu sự quản lý của Nhà nước.
Mọi người đều biết, tôn giáo là một thực thể xã hội bao gồm các thành tố: Niềm tin tôn giáo, hệ thống biểu tượng, nghi lễ; hệ thống giáo thuyết; tổ chức nhân sự điều hành việc đạo và đông đảo các tín đồ... Hoạt động tôn giáo không chỉ thuần túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với tư cách như vậy, tôn giáo không thể đứng ngoài xã hội, ngoài pháp luật và phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới không thể đứng ngoài pháp luật của quốc gia đó. Đơn cử như ở Cộng hòa Pháp, trong Luật ngày 9-12-1905, Điều 26 quy định: "Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo".
Trước các luận điệu sai trái, thù địch và âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, nhất là chức sắc, tín đồ các tôn giáo hiểu rõ quan điểm, chính sách tốt đẹp về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; thấy rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn được pháp luật bảo vệ và thực thi trên thực tế.
Các tôn giáo ở Việt Nam (dù nội sinh hay ngoại nhập), muốn phát triển đều phải hòa đồng với văn hóa dân tộc và trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đều nhằm thực hiện mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", trong đó có lợi ích của các tôn giáo. Đồng thời, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; làm cho nhân dân có nhận thức đúng và chủ động đấu tranh với các hành động sai trái, vi phạm pháp luật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét