Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ - Ý NGHĨA LỊCH SỬ, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI NHÂN VĂN SÂU SẮC

 Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từ đó, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng .

Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này, rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đã được thực hiện, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tri ân, chia sẻ, động viên đối với người có công, gia đình chính sách.

Qua đó, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Đồng thời nhằm động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước, góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc.

Việc quan tâm, chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt các công tác liên quan đến thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành như: Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng… Qua đó đã làm cho đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, công tác chăm lo, “đền ơn đáp nghĩa” đối với người và gia đình có công với cách mạng được quan tâm đặc biệt và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Điều này được thể hiện thông qua những hoạt động cụ thể như: Các bà mẹ Việt Nam anh hùng được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, phụng dưỡng đến hết đời; các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa được quan tâm chăm lo mọi mặt trong cuộc sống, được ưu đãi về nhà ở; thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công  được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần.

Đất nước được độc lập, non sông liền một dải, biên cương cũng im tiếng súng, nhưng hàng vạn liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy hài cốt, chưa xác định được danh tính. Vẫn còn đó niềm mong muốn khắc khoải, được đưa những người con đã anh dũng hy sinh, trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, đồng đội, để được tri ân, để góp phần vợi bớt nỗi đau của các gia đình liệt sĩ. Có thể nói, sự cống hiến, hy sinh của những người có công với cách mạng cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà còn cho muôn đời sau. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định trong những năm tới, tiếp tục: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân…”. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sĩ và Người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm cơ sở giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét