Người Việt Nam thời xưa gọi Trường Sa -
Hoàng Sa là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý
Trường Sa như các sách và bản đồ cổ của Việt Nam đã chứng tỏ. Hầu như tất cả
các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến XVIII đều vẽ chung
quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa làm một dưới cái tên Pracel, Parcel hay
Paracels.
Về sau, với những tiến bộ của khoa học và hàng hải, người
ta đã phân biệt có hai quần đảo: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mãi
cho đến năm 1787-1788, cách đây hai trăm năm, đoàn khảo sát Kergariou-Locmaria
mới xác định được rõ ràng và chính xác vị trí của quần đảo Trường Sa hiện nay,
từ đó phân biệt quần đảo này với quần đảo Trường Sa ở phía Nam. Các bản đồ trên
nói chung đều xáx định vị trí khu vực Pracel (tức là cả Hoàng Sa và Trường Sa)
là ở giữa Biển Đông, phía đông Việt Nam, bên ngoài những đảo ven bờ của Việt
Nam. Hai quần đảo mà các bản đồ hàng hải quốc tế ngày nay nghi là Paracels và
Spratle hoặc Spratly chính là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt
Nam.
Do đặc điểm của Hoàng Sa và Trường Sa là có nhiều hải sản
quý lại có nhiều hóa vật của tàu bị đắm như trên đã nói, Nhà nước phong kiến
Việt Nam từ lâu đã tổ chức việc khai thác hai quần đảo đó với tư cách một quốc
gia làm chủ. Nhiều sách lịch sử và địa lý cổ của Việt Nam đã nói rõ tổ chức,
phương thức hoạt động của các đội Hoàng Sa có nhiệm vụ làm việc khai thác đó.
Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn phải
liên tiếp đối phó với sự xâm lược của nhà Thanh và của Xiêm, tuy vậy vẫn luôn
luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa. Nghĩa là thời Tây
Sơn, Nhà nước vẫn tiếp tục tổ chức việc khai thác Hoàng Sa với ý thức thực hiện
chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa.
Từ khi nắm chính quyền năm 1802 đến khi ký
với Pháp Hiệp ước 1884, các vua Nhà Nguyễn ra sức củng cố chính quyền Việt Nam
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đội Hoàng Sa, sau được tăng cường thêm đội
Bắc hải, được duy trì và hoạt động liên tục từ thời các chúa Nguyễn (1558-1783)
đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn (1802-1945).
Như vậy, qua các sách lịch sử, địa lý cổ của
Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây nói trên,
từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại
khác, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có
mặt đều đặn của các đội Hoàng Sa do Nhà nước thành lập trên hai quần đảo đó mỗi
năm từ 5 đến 6 tháng để hoàn thành một nhiệm vụ do Nhà nước giao tự nó đã là mộ
bằng chứng đanh thép về việc Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình đối
với hai quần đảo đó.
Việc
chiếm hữu và khai thác đó của Nhà nước Việt Nam không bao giờ gặp phải sự phản
đối của một quốc gia nào khác; điều đó càng chứng tỏ từ lâu quần đảo Hoàng Sa
và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét