Chúng tôi sinh ra trong hòa bình – độc
lập. Thế hệ của chúng tôi không có những ngày khoác áo rơm đi học dưới hầm, trú
bom trong ống cống, không phải ăn bo bo hay cơm độn ngô, độn sắn. Chúng tôi lớn
lên khi đất nước không còn chia Bắc – Nam, không còn cảnh “một nhà chia đôi”.
Chúng tôi biết đến chiến tranh qua những câu chuyện của ông, qua chiếc chân giả
của chú, qua cảm xúc vỡ òa của ngày bác tôi lặng lẽ trở về sau 10 “đám giỗ”.
Chúng tôi biết đến hòa bình qua những tấm bia mộ khắc dòng chữ “Chưa biết tên
anh nhưng chiến công anh bất diệt”, qua những nghĩa trang Trường Sơn nằm tựa
mình bên núi, qua những ngôi mộ của gia đình hàng xóm trúng bom nằm sau vườn….
Chỉ vậy thôi cũng đủ để mỗi khi đứng dưới bóng cờ là con tim ngân lên tiếng ca
“Đoàn quân Việt Nam đi…”
Chúng tôi nhớ câu chuyện về cây cầu Hiền
Lương bắc ngang sông Bến Hải làm gianh giới tạm thời chia cắt hai miền Nam –
Bắc. Lính Việt Nam Cộng hòa (Ngụy quyền Sài Gòn) muốn sơn cây cầu thành hai màu
khác nhau để phân biệt. Cứ mỗi khi “lính cộng hòa” đổi màu sơn cho nửa bên kia
cây cầu thì ngay đêm hôm ấy, “lính cộng sản” lại lặng lẽ sơn nửa bên này cầu
theo đúng màu sơn của bên ấy bởi “Nam – Bắc một nhà, không một thế lực nào có
thể chia cắt được”.
Chúng tôi nhớ cuốn sách viết về những
chuyến tàu không số, những người tù Côn Đảo kiên trung. Nhớ những con người anh
dũng đã nằm lại dưới biển xanh để đất nước tôi ngày hôm nay độc lập.
Chúng tôi nhớ hình ảnh những người chàng
trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Vừa
cởi áo học trò khoác áo lính, họ bước vào trận chiến một mất một còn với tinh
thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Chúng tôi nhớ các bà, các mẹ vai khoác
súng tay cầm liềm, vừa chiến đấu vừa sản xuất, làm việc bằng hai để “thóc không
thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Chúng tôi nhớ những người đã nằm lại
ngay trước ngày giải phóng, ngay trước cửa ngõ tiến vào Sài Gòn, tôi nhớ người
lính anh hùng trước lúc bị hành quyết vẫn hô to “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn
năm”.
Chúng tôi nhớ hình ảnh đường phố Sài Gòn
ngập tràn cờ và hoa chào đón đoàn quân giải phóng. Nhớ những chuyến tàu Bắc –
Nam mang tên Thống Nhất.
Lịch sử thì không bao giờ có “nếu như,
giá mà, giả sử….”. Lịch sử chỉ có một kết quả duy nhất. Nó là thành quả của
những năm trường kỳ kháng chiến, nó được xây nên từ xương máu của biết bao
nhiêu thế hệ con dân Việt. Không bao giờ có chuyện không cần đánh đuổi thì
Pháp, Mỹ cũng sẽ tự rút. Không có thằng ăn cướp nào đến cướp đất chỉ để xây nhà
cho bạn rồi nó tự đi. Hòa bình – độc lập hôm nay không phải ngẫu nhiên mà có,
càng không phải ai đó tốt bụng mang đến cho. Cha ông chúng ta – lớp lớp những
thế hệ đi trước đã phải chiến đấu để giành lấy, đã phải dùng xương máu của mình
để xây nên. Dù không phải trải qua những năm tháng hy sinh gian khổ ấy, nhưng
chúng ta phải nhớ để dạy lại con cháu mình rằng cái giá của độc lập – tự do
được trả bằng sự hy sinh của hàng triệu người.
30/4 – Tôi nhớ, tôi tự hào vì “Đất nước
ta đã có một thời như thế”
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, một Việt Nam
bé nhỏ đã chứng minh cho cả thế giới thấy sức mạnh quật cường của tinh thần
đoàn kết dân tộc. Hóa ra cái mảnh đất hình chữ "S" nằm bên bờ Biển
Đông ấy không dễ bị bắt nạt. Khởi đầu với những gậy tầm vông, những giáo mác
thô sơ, những người dân thật thà, hiền hậu ở cái xứ ấy đã kiên cường chống lại
những đại bác, những hạm đội, những pháo đài bay. Lớp này ngã xuống, lớp khác
lại đứng lên. Cứ như vậy, dân tộc tôi đã kiên cường, bất khuất, chiến đấu cho
đến ngày chiến thắng.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau những gian
khổ, hy sinh với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, nhân dân Việt Nam đã giành
được độc lập – tự do trọn vẹn sau hơn 100 năm Pháp thuộc, 21 năm Mỹ thuộc. Sự
hy sinh của lớp lớp người Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau 21 năm bị
chia cắt, đồng bào tôi đã có thể tự do đi lại giữa hai miền Nam Bắc. Sau 21 năm
bị ngăn đôi bởi dòng sông Bến Hải, đất nước tôi đã liền một dải, non sông đã
thu về một mối.
Nếu có ai đó hỏi chúng tôi rằng tại sao
chúng tôi tự hào. Chúng tôi sẽ nói: Chúng tôi tự hào vì đất nước chúng tôi, vì
dân tộc chúng tôi, vì đồng bào chúng tôi kiên cường, bất khuất. Chúng tôi tự
hào vì cha ông chúng tôi đã sống, đã chiến đấu hết mình vì độc lập – tự do.
Chúng tôi tự hào vì bây giờ nếu có ai đó hỏi chúng tôi tới từ đâu, chúng tôi sẽ
trả lời: Chúng tôi là người Việt Nam, không phải Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam,
mà chỉ đơn giản là Việt Nam thôi.
30/4/1975 – Chúng tôi nhớ, chúng tôi tự
hào
Khải Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét