Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

"CHÚNG TA THỀ SỐNG CHẾT VỚI THỦ ĐÔ HÀ NỘI, CON CHÁU CHÚNG TA SẼ LẤY NGÀY NÀY LÀ NGÀY GIỖ CHÚNG TA, GIẶC PHÁP MUỐN CHIẾM THỦ ĐÔ HÀ NỘI NHƯNG CHÚNG TA CÒN THÌ THỦ ĐÔ KHÔNG BAO GIỜ MẤT"

 

Sống chết bảo vệ Thủ đô:

Chiều hôm ấy, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam mật lệnh cho toàn thể lực lượng vũ trang: Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21-12-1946, mang mã hiệu A cộng 2, B trừ 2. “Chuyến hàng sẽ đến” nghĩa là tổng tiến công bắt đầu. “A” là giờ, “B” là ngày. Như vậy, mệnh lệnh lịch sử “cuộc tổng tiến công bắt đầu lúc 20 giờ ngày 19-12-1946” đã được chuyển hỏa tốc đến các chiến khu, đơn vị.

Trận đánh ác liệt đầu tiên ở Bắc Bộ phủ khắc họa hình ảnh các chiến sĩ Thủ đô Quyết tử ôm bom ba càng xung phong diệt xe tăng, thiết giáp của địch; là biểu tượng cao đẹp, gan dạ, dũng cảm, kiên cường trong cuộc chiến đấu ngoan cường 60 ngày đêm giam chân địch trong những ngày mùa đông 1946.

Ngày 14-1-1947, Trung đoàn Thủ đô làm lễ tuyên thệ. Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103 Vũ Lăng thay mặt trung đoàn đọc lời tuyên thệ: “Hôm nay chúng ta làm lễ khai sinh đội quân quyết tử. Chúng ta thề sống chết bảo vệ thủ đô. Con cháu chúng ta sẽ lấy ngày này là ngày này là ngày giỗ của chúng ta giặc Pháp muốn chiếm thủ đô Hà Nội nhưng chúng ta còn, thủ đô sẽ không bao giờ mất. Xin thề! Xin thề! Xin thề!”.

60 ngày đêm khói lửa:

Trước đó, tối 19-12-1946, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ phá nhà máy, TP Hà Nội chìm trong bóng tối. Từ pháo đài Láng, pháo của ta gầm lên, nã những phát đầu tiên vào quân địch tập trung trong thành cổ - báo hiệu TQKC bắt đầu.

Một trong những người trực tiếp bắn phát đạn pháo đầu tiên trong đêm 19-12, ông Đỗ Văn Ba - chiến sĩ tự vệ, pháo thủ pháo đài Láng - bồi hồi: “Tối ấy rét đậm. Những trai làng chúng tôi tay quen trồng lúa hơn cầm súng vào vị trí, hồi hộp đợi lệnh. Đúng 20 giờ 3 phút, trung đội trưởng dõng dạc hô khẩu lệnh “Bắn!”. Ba loạt với 6 viên đạn pháo liên tiếp lao vào thành, nơi quân Pháp đóng quân”.

Các lực lượng vũ trang, tự vệ của ta cũng đồng loạt tiến công. “Cột điện, cây cối đổ rầm rầm. Tiếng cuốc đào đường, tiếng xe bò chở đất cát, gạch đá đắp ụ vang lên hối hả…” - đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại.

Những ngày ấy, toàn thủ đô, “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Đội quyết tử quân của ta luôn túc trực trên đường và sẵn sàng ôm bom ba càng lao vào xe tăng, bọc thép của địch. Công nhân, thanh niên, học sinh, viên chức, tiểu thương… trở thành lực lượng tự vệ, cùng người dân hăng hái, sẵn sàng chiến đấu.

Bất kỳ chỗ nào, giặc Pháp cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân Hà Nội. Trong mấy ngày đầu TQKC, 3 chiến sĩ cảm tử Trung đội 2 ôm bom ba càng lao ra tiêu diệt gọn xe tăng địch, khiến chúng kinh hồn bạt vía và họ đã anh dũng hy sinh. Ở Bắc Bộ phủ, Chính trị viên Đại đội Vệ quốc đoàn Lê Gia Đỉnh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng rồi anh dũng ngã xuống bên quả bom ba càng cuối cùng không nổ...

Trong 60 ngày đêm khói lửa, trận đánh hôm 14-2-1947 tại chợ Đồng Xuân được xem là một trong những cuộc đụng độ khốc liệt nhất giữa Trung đoàn Thủ đô với quân Pháp. Trực tiếp tham gia trận này, đại tá Vũ Tâm - nguyên Trung đội trưởng Trung đội Tự vệ giữ chợ Đồng Xuân thuộc Tiểu đoàn 101, nguyên Chánh Văn phòng Binh đoàn Quân tình nguyện 678 giúp Lào - nhớ lại: Mờ sáng 14-2, máy bay Pháp tiếp tục ném bom, bắn phá chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh. Lúc ấy, Tiểu đoàn 101 sau 57 ngày đêm chiến đấu chỉ còn 130 cán bộ, chiến sĩ nhưng vẫn quyết tâm đánh trả địch. Với phương châm “4 tại chỗ” - ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, chiến đấu tại chỗ và chết chôn tại chỗ - trong trận đánh đó, 15 người của tiểu đoàn đã hy sinh, 19 người bị thương.

Đến giờ, đại tá Tâm vẫn không thể nào quên hình ảnh quả cảm của đồng đội Đỗ Văn Thìn. “Khi địch vào được chợ Đồng Xuân, đồng chí Thìn thấy Tiểu đội phó Nguyễn Thành Trường quần nhau với địch ở tư thế yếu liền rời chỗ nấp lao lên ứng cứu và đã hy sinh. Sau khi tiêu diệt được địch, anh Trường đã chôn anh Thìn ngay hố nấp của mình. Mãi đến đầu năm 1990, khi xây dựng lại chợ Đồng Xuân, chúng tôi mới tìm thấy hài cốt của anh Thìn dưới hố” - ông xúc động.

Đại thắng lợi:

Sau Tết Đinh Hợi 1947, địch được tiếp viện thêm lực lượng, vũ khí và phương tiện, cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ngày càng ác liệt. Trước tình hình ngặt nghèo, để bảo toàn lực lượng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã họp gấp Quân ủy Trung ương, bàn chủ trương tạm rút lui rồi sau đó được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng phê chuẩn ngay trong đêm 14-2-1947. Đại tướng đã điện cho Trung đoàn Thủ đô yêu cầu rút ra khỏi Hà Nội đêm 17-2, đồng thời chuyển lời khen ngợi của Bác Hồ: “Các chú giam chân địch 1 tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được 2 tháng là đại thắng lợi”.

Đêm 17-2-1947, sau khi kẻ lên các bức tường dòng chữ “Hà Nội thân yêu ơi, chúng tôi sẽ trở lại”, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ thoát khỏi vòng vây quân thù. Rạng sáng 18-2, trên bãi cát giữa sông Hồng chỉ còn một nhóm nhỏ ở lại quyết tử chặn địch cho trung đoàn rút lui. Cuộc chiến không cân sức diễn ra và phần lớn họ đã hy sinh…/.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét