Từ góc độ nghiên cứu lý luận, chúng ta bắt gặp không ít những luận điểm tìm cách xuyên tạc, phê phán, đòi xem xét lại lý luận kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách kinh tế của Đảng ta với mục đích xoá bỏ nền tảng tư tưởng kinh tế ở Việt Nam, xuyên tạc sự nghiệp đổi mới hòng chuyển hoá nền kinh tế đất nước ta phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trong đó, một mặt chúng tìm mọi cách xuyên tạc và lật đổ học thuyết giá trị thặng dư - “viên đá tảng” trong học thuyết kinh tế Mác, chúng cho rằng quan hệ giữa các chủ tư bản và công nhân lao động là quan hệ đồng đẳng (cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi), máy móc với công nghệ hiện đại là nguồn gốc thực sự của sự gia tăng doanh lợi kếch xù, và do đó trong các xí nghiệp tư bản không có sự chiếm hữu tư nhân, quan hệ bóc lột.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch cho rằng: muốn “chuyển hoá” Việt Nam thì phải thực hiện “chuyển hoá” 3 lĩnh vực, đó là: chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh. Trong đó phá vỡ nền tảng chính trị là vấn đề then chốt; về cơ bản, thường xuyên lâu dài vẫn phải lấy kinh tế để chuyển hoá chính trị; lấy vô hiệu hoá quân đội, công an là nhiệm vụ trước mắt. Chính vì vậy, để thực hiện ý đồ đó, Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai nhiều “kế hoạch” chống phá và trục lợi đối với kinh tế Việt Nam, nhằm tác động chuyển hoá Việt Nam.
Một trong những thủ đoạn nổi lên là chúng thổi phồng, bóp méo thông tin về những khó khăn của kinh tế Việt Nam nhằm làm rối loạn xã hội và hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc tung tin thất thiệt về các cán cân kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính – tiền tệ.
Chúng ra sức chống phá thành phần kinh tế nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng khoét sâu vào những yếu kém nổi lên của một số doanh nghiệp nhà nước thời gian qua và lập luận: “Nguyên nhân yếu kém của nền kinh tế Việt Nam là do các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn kém hiệu quả”, từ đó “khuyên” Việt Nam cổ phần hoá triệt để hoặc giải thể các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước.
Trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá đường lối phát triển kinh tế ở nước ta, việc đấu tranh có hiệu quả chiến lược “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay được xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Muốn công tác đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” đạt hiệu quả đòi hỏi phải đặt nhiệm vụ đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế trong mối quan hệ biện chứng với đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - chính trị, văn hoá, quân sự, ngoại giao… nhằm làm thất bại mọi mưu đồ của Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được điều đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Phát huy nội lực kết hợp với tranh thủ ngoại lực để tạo sự phát triển nhanh, bền vững đồng thời tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng phải tích cực nâng cao nhận thức về “Diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng trận địa tư tưởng vững vàng trong xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng luôn đảm bảo sự gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, chú trọng trong quan hệ đối ngoại về kinh tế để ngăn chặn quá trình “tự diễn biến” hòng thực hiện âm mưu chuyển hóa chế độ chính trị của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét