Hơn 30 năm
đổi mới, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng
góp không nhỏ của công tác đối ngoại. Tuy nhiên, đường lối đối ngoại của Đảng,
Nhà nước ta đang là một trong những đề tài chống phá quyết liệt của các thế lực
thù địch, phản động. Đây là âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc, phải bị lên án
và đấu tranh.
Trước hết, phải khẳng định, đó là đường lối đúng đắn, sáng
tạo, phù hợp hoàn cảnh cách mạng và thực tiễn đất nước, luôn có sự bổ sung và phát
triển sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Đó là đường lối đối ngoại độc
lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng
độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công
việc nội bộ của nhau. Đường lối đó hoàn toàn phù hợp với xu thế lớn của thời
đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thông qua đường
lối đối ngoại của mình, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng lên cùng với sự
lớn mạnh của tiềm lực quốc gia dân tộc. Nếu như tại Đại hội VI, Đảng
chủ trương phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều
kiện mới và đề ra yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước ngoài hệ
thống xã hội chủ nghĩa, với các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức và tư
nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Đến
Đại hội VII, ta tuyên bố “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng
đồng quốc tế”, Đại hội IX của Đảng năm 2001, trên cơ sở bổ sung, phát triển
phương châm đối ngoại của Đại hội VII, khẳng định “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là
đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. Và ngày nay, chúng ta ẫn
khẳng định “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của
cộng đồng quốc tế”.
Chính đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo đó đã góp phần rất
quan trọng vào những thành tựu của 30 năm đổi mới đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, kẻ thù đang đẩy mạnh các hoạt động
chống phá nhằm cô lập ta trên trường quốc tế, làm suy yếu tiến tới lật đổ chế
độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng,
nhất là các đài phát thanh thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC tiếng Việt, VOA
tiếng Việt, Châu Á tự do (RFA), Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI), các trang
mạng xã hội… các thế lực thù địch đã và đang tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự
thật về công cuộc đổi mới ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân
quyền”, “đàn áp tôn giáo”, “không có tự do báo chí, tự do ngôn luận” nhằm hạ
thấp uy tín, vị thế Việt Nam, tạo dư luận xấu trong nhân dân và bè bạn quốc tế.
Chúng lợi dụng các tổ chức quốc tế, các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ
chức nhân quyền quốc tế, Liên minh Châu Âu, Diễn đàn hợp tác kinh tế Á – Âu… để
gây áp lực, cô lập Việt Nam. Thậm chí chúng còn kêu gọi các nước phát triển,
các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế
(IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)… chấm dứt đầu tư vào Việt Nam, ngừng
các khoản viện trợ đầu tư phát triển cho Việt Nam. Tất cả các hoạt động đó đều
nhằm mục đích cô lập, làm suy yếu tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, hướng Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Đường lối đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong toàn
bộ đường lối cách mạng của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh”. Vì vậy, bảo vệ đường lối của Đảng tất yếu phải bảo vệ
đường lối đối ngoại, bảo vệ đường lối đối ngoại của Đảng cũng chính là bảo vệ
cuộc sống của chính bản thân mình vậy. Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã dạy:
"Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không
có lợi ích gì khác”, "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức,
để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải
trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp". Mặc dù hiện nay,
ở đâu đó vẫn còn những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, nhưng chúng
ta phải công nhận rằng đó chỉ là thiểu số,
chỉ là “một bộ phận” như đánh giá của Đảng, là những “con sâu làm rầu nồi canh”,
chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất của Đảng. Đảng ta vẫn xứng đáng là
đội tiên phong, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân
lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII viết: “Bảo
đảm lợi ích tối cao của quốc gia –dân tộc… trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu
tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phất triển đất nước, nâng cao
đời sống nhân dân”. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ đường lối của Đảng nói chung
cũng như đường lối đối ngoại của Đảng nói riêng.
Thực tiễn đã
chứng minh đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và hiệu quả, đã
nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, phục vụ đắc lực cho
sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta đã giữ vững
được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đưa các mối quan
hệ đối ngoại quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Việt Nam đã
thiết lập quan
hệ ngoại giao với 186/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có năm nước
trường trực Hội đồng Bảo an, thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với ba nước
(Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), đối tác chiến lược với 15 nước, đối tác toàn diện với
10 nước. Và vừa mới đây thôi, chúng ta đã lần thứ hai tổ chức thành công Tuần
lễ cấp cao APEC, được nguyên thủ của các quốc gia thành viên cũng như các tổ
chức quốc tế đánh giá rất cao. Điều đó cho thấy sự năng động,
uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được coi trọng trên các diễn đàn quốc tế.
Các mối quan hệ đó đã mang lại nhiều
lợi ích về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn
hóa, phục vụ thiết thực cho mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định, tái cơ cấu nền
kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Công tác đối ngoại đã đóng góp
tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta
ngày càng chủ động, tích cực hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu
vực và thế giới. Hiện nay, ta có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 220 quốc
gia và vùng lãnh thổ, thu hút trên 250 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI), đã vận
động được thêm 36 đối tác mới, nâng tổng số đối tác chính thức công nhận quy
chế kinh tế thị trường ở nước ta lên 59. Những hoạt động kinh tế đối ngoại này
đã đóng góp tích cực vào việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng
cường thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thu hút khách du
lịch, đấu tranh chống những hành động gian lận thương mại, áp đặt các rào cản
thương mại làm tổn hại tới lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và Nhà nước ta.
Công tác đối
ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển,
đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác đối ngoại đã thực hiện nghiêm túc những
chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sử dụng linh hoạt, triệt để các biện
pháp chính trị - ngoại giao, mọi kênh đối thoại, tiếp xúc ở các cấp độ song
phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chủ động tranh thủ mọi cơ hội để giảm căng thẳng,
khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị. Công tác đối ngoại đã phối hợp
chặt chẽ với công tác bảo vệ pháp luật trong việc đẩy lùi và vô hiệu hóa các âm
mưu và hành động chống phá Đảng và Nhà nước ta trong các vấn đề “dân chủ”, “nhân
quyền’, “tôn giáo”. Nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua việc nâng
tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng,
định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược
về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên
có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Tóm lại,
những thành tựu của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là không thể phủ
nhận. Đó là kết quả của việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chính sách
đối ngoại thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mọi hành
động xuyên tạc, phủ nhận thành tựu đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đều là những
luận điệu bịp bợm, mỵ dân của các thế lực thù địch và phản động. Những tiếng
nói lạc lõng đó không thể làm lay chuyển hay tạo áp lực lên đường lối đối ngoại
của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận người dân trong nước lại “hùa
theo” những luận điệu vô căn cứ đó một cách mù quán, thiếu cơ sở và lệch lạc về
thông tin theo cách thức mà ta thường gọi là “bị dắt mũi”. Những hành động đó
phải bị lên án và lật tẩy, nhằm bảo vệ những thành quả cách mạng, bảo vệ sự
nghiệp đổi mới đất nước./.
Tấn Lực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét