Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

ĐỪNG ĐỂ TÂM HỒN NHIỄM DỊCH



Vẫn biết rằng dịch bệnh luôn đáng sợ và gây ra tâm lý lo ngại trong dư luận, đặc biệt là những đại dịch mang tính toàn cầu như bệnh viêm phổi do Covid-19 gây ra. Thế nhưng, lo ngại thái quá đến mức tung tin đồn thất thiệt – “hoang tin” lại gây ra sự hoang mang trong toàn xã hội. Thực tế, trong những ngày qua, “hoang tin” về Covid-19 đã tràn ngập mạng xã hội. Dù vô tình hay cố ý, những tin đồn thất thiệt ấy gây ra hậu quả khôn lường và vô hình chung đã vi phạm các chế tài pháp luật. Dịch bệnh là nguy hiểm, song có lẽ không nguy hiểm bằng sự phát dịch của tâm hồn. Bởi một khi tâm hồn bị nhiễm dịch, thì nhìn đâu chủ thể cũng thấy màu đen của sự ám ảnh dịch bệnh. Vậy, cần làm gì để tâm hồn không nhiễm dịch Covid-19
Một là, không chủ quan nhưng không lo lắng thái quá
Đau ốm, dịch bệnh và cái chết, thử hỏi có ai mà không sợ? Covid-19 bùng phát và đến thời điểm hiện nay chưa có vắc-xin, chưa có thuốc phòng hay thuốc điều trị trực tiếp đã dẫn đến tâm lý lo sợ của người dân cũng là tất yếu. Và xét theo phản ứng tâm lý nói chung, người dân sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để phòng Covid-19. Đó cũng là bản năng sinh tồn của con người. Vì sự sinh tồn và phát triển, con người luôn chủ động tìm ra mọi phương cách để chống chọi với dịch bệnh. Tuy nhiên, khi thực tiễn đối mặt với dịch bệnh, xét về mặt tâm lý – thần kinh, nỗi lo sợ của con người thường có xu hướng “phồng to” hơn, trí tưởng tượng phát triển mạnh mẽ hơn. Kết quả là tâm hồn đã nhiễm dịch.
Thực tế là, trong những ngày qua, Covid-19 đã bị thổi phồng so với mức độ nguy hại của nó. Trong quá trình phản ánh tình hình dịch bệnh, các phương tiện truyền thông toàn cầu dường như đã phản ứng thái quá, đặc biệt là khi Covid-19 cho đến nay vẫn chưa thật sự nguy hiểm như một số người lo ngại. Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán là một dịch bệnh đáng báo động, song, sự lo lắng thái quá của con người lại gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Hai là, phòng, chống Covid-19 trong hiểu biết
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, Covid-19 là dịch cúm. Trong 40 năm qua nhân loại chứng kiến nhiều loại dịch cúm khác nhau. Tất cả các đại dịch cúm trong lịch sử thu hút sự chú ý của công chúng thường có tỷ lệ tử vong rất lớn: Dịch Ebola năm 1976 ảnh hưởng đến 33.000 người với tỉ lệ tử vong là 40%. Năm 1998, virus Nipah làm cho 500 người bị nhiễm, nhưng tỉ lệ tử vong lên đến 78%. Năm 2002, là dịch SARS, làm hơn 8.000 người nhiễm với tỷ lệ tử vong là 7-9%. Năm 2012 dịch MERS gây nhiễm chừng 2.500 người nhưng tỉ lệ tử vong khá cao, lên đến 34%. Nhưng đến hiện nay, Covid-19 (cùng dòng họ với con gây virus SARS và MERS) tỉ lệ tử vong chỉ khoảng 2% (hay có thể thấp hơn). Đặc biệt, khoa học dịch tễ đang rất tiến bộ, đồng nghĩa với khả năng phòng, chống dịch trên thế giới cũng phát triển không ngừng.
Đặc biệt Việt Nam đã chữa khỏi cho 18 ca bị nhiễm, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc phòng chống lây nhiễm ra cộng đồng bằng nhiều giải pháp mà Chính phủ đã và đang triển khai; chúng ta hoàn toàn có lý do và sự tin tưởng về sự thành công trong khống chế Covid-19 vào một khoảng thời gian ngắn nhất. Điều cốt yếu bây giờ là: Thực hiện đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); sự chỉ đạo và điều hành của chính phủ và đúng chỉ dẫn của ngành y tế nước nhà, cần bình tĩnh xử lý thông tin, tránh nhiễm dịch tâm hồn, hùa theo những thông tin sai trái để phải chịu những điều chỉnh và xử lý của pháp luật./.
Lê Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét