Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC 2021 CỔ VŨ GIÁ TRỊ SÁNG TẠO

 

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 nhận được sự quan tâm của những đồng chí lãnh đạo cấp cao. Không chỉ tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng còn trực tiếp chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021.

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và bền vững. Văn hóa muốn hòa nhập mà không bị hòa tan, thì mỗi đất nước đều phải xác định rõ ràng vai trò then chốt của văn hóa. Nói cụ thể hơn, văn hóa là bước tiến đầu tiên và cũng là chốt chặn sau cùng cho sự tồn vong của mỗi xứ sở, mỗi dân tộc.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đời sống văn hóa của Việt Nam sau 35 năm đổi mới, vẫn còn nhiều bất cập. Trong đề dẫn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng nghĩa cũng nêu ra những biểu hiện cần khắc phục như yếu kém trong bố trí, sử dụng cán bộ làm văn hóa, có nơi bố trí những người không có chuyên môn, thiếu hiểu biết về văn hóa làm cán bộ lãnh đạo, quản lý văn háo văn nghệ. Vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ chưa được quan tâm đúng mức, chưa xác định đúng vị thế của văn hóa, văn nghệ trong mối quan hệ với chính trị, kinh tế, xã hội. Một điểm hạn chế nữa là ngành văn hóa chưa ban hành được hệ giá trị chuẩn về văn hóa và con người Việt Nam làm cơ sở triển khai trong thực tiễn. 

Bên cạnh đó, những nhà quản lý văn hóa cũng chưa đề xuất được những giải pháp mang tính đột phá khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực Đông Nam Á. 

Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có dấu hiệu xuống cấp, mai một, biến dạng, chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Văn học nghệ thuật thiếu vắng những tác phẩm lớn. Nhập siêu văn hóa kéo dài, mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp. Đặc biệt, môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp, tính cộng đồng làng xã suy giảm, quan hệ xã hội đôi khi mang tính thực dụng, vụ lợi. 

Từ sự lúng túng về văn hóa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm… còn xảy ra ở nhiều nơi. Doanh nghiệp gian lận thương mại, làm tổn hại tới cả sức khỏe và sinh mạng con người. Không ít đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét